"Cơn lốc quản trị” - Ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa được xem là một thành trì vô hình và đồng thời là một cỗ máy điều hành tuyệt vời – Một sự quản trị xuất sắc bậc nhất.
Nguồn: báo Doanh Nhân Sài Gòn
Nội dung: Kim Phương
"Cơn lốc quản trị” - Ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp là quyển sách mới nhất của Giáo sư Phan Văn Trường được xuất bản giữa tháng 8/2023 như một món quà dành tặng cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang vật lộn trên thương trường để tồn tại và trở thành tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực của mình trên thị trường, và xa hơn là có vị thế hàng đầu trên hoàn vũ.
Với trải nghiệm thực tế trong hơn 30 năm quản trị, Giáo Sư Phan Văn Trường đã đưa nhiều tập đoàn trở thành số 1 trên toàn cầu nhờ niềm tin và hành động dựa trên sức mạnh của tổ chức là sự gắn kết chặt chẽ của một tập thể trong 3 loại hình văn hóa:
Văn hóa Lãnh đạo “Lợi ích tối đa của doanh nghiệp”;
Văn hóa làm việc “Truyền thông toàn diện”;
Văn hóa tự thân cho mỗi nhân viên là “ôn hòa và chuyên nghiệp”.
Văn hóa lãnh đạo “Lợi ích tối đa của doanh nghiệp”
Khi doanh nghiệp đặt lợi ích tối đa là “Lãnh đạo”, thì từ “Sếp” không còn chỉ đích danh người cụ thể nữa, không còn chỗ cho sự quan liêu, lãng phí, hình thức giả dối, phân chia bè cánh tiêu cực trong nội bộ, tham nhũng,...
Các cấp bậc, vị trí, chức danh trong công ty (ngay cả quản lý cấp cao hay CEO) chỉ thuần túy là sự khác biệt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cá nhân trong tổ chức để hướng tới mục tiêu chung với tinh thần hồn nhiên, thẳng thắn, dân chủ và bình đẳng cùng đưa ra những giải pháp tối ưu dựa trên trí tuệ của tập thể đã đồng thuận và xem xét kỹ càng mọi yếu tố để mang lại giá trị thật cho tổ chức.
Lợi ích cho doanh nghiệp không đơn thuần là những con số duy lý như doanh thu, lợi nhuận của chỉ riêng Công ty, mà cần hài hòa trong hệ sinh thái song hành cùng sự trường tồn của Công ty gồm:
1. Khách hàng
2. Nhân viên
3. Cổ đông
4. Nhà cung cấp
5. Các yếu tố khác như chính quyền, thuế vụ, ngân hàng, công đoàn,….
Văn hóa truyền thông toàn diện
Văn hóa truyền thông toàn diện là nghệ thuật để các thông tin trong toàn bộ tổ chức đi nhanh, đầy đủ tới từng cá nhân cùng thời điểm, được những người liên quan hiểu đồng bộ, tạo phản ứng tích cực, phát huy chiến lược mà mọi người đồng thuận chia sẻ, để đưa tới hành động nhanh chóng và nhịp nhàng giữa các đội.
Từ cổ chí kim thông tin là yếu tố chính của quyền lực, các quyết định hành động phần lớn sẽ dựa trên thông tin. Tuy nhiên, sự thiếu hụt thông tin đa chiều làm cho các quyết định trở nên thiếu chính xác như “thầy bói xem voi”, các đội nhóm thiếu gắn kết vì không thấu hiểu được công việc của nhau, tổ chức vận hành như một con thuyền được chèo theo nhiều hướng hoặc như việc lái xe trong sương mờ…
Kết quả là sự lãng phí trong nguồn lực dư thừa, các bộ phận xử lý công việc chồng chéo thiếu hiệu quả đã cản trở sự thành công bền vững của tổ chức.
Trong nhiều năm quản trị, Giáo Sư Phan Văn Trường đã áp dụng báo cáo hệ thống để xây dựng truyền thông toàn diện và chuyên nghiệp, mang lại sự thành công tại các tập đoàn số 1 hoàn vũ, mà ông gọi là làm việc trong “nhà kính”.
“Đó là nơi mọi cá nhân đều phải báo cáo bằng văn bản theo thời gian thực.”
Điều này giúp cho các nhân viên đều bình đẳng thực chất vì mọi ý kiến của họ được lắng nghe không phân biệt chức vụ (thay vì quyền lực và thông tin chỉ tập trung ở các quản lý cấp trung và cấp cao), giúp lộ diện những tiêu cực của các cá nhân có sự quan liêu, lãng phí, kém hiệu quả gây chậm trễ và ách tắc trong dòng chảy công việc của các bộ phận khác.
Mỗi cá nhân cùng phải đưa ra giải pháp tốt nhất trong công việc của mình, nhờ đó phát huy được sự sáng tạo, phản biện của mỗi nhân viên.
Và kết quả sẽ giúp tiết kiệm thời gian của tập thể, sự giám sát nhân viên như yêu cầu tuân thủ giờ giấc làm việc là điều không quá cần thiết, vì mỗi cá nhân đều vận hành trong môi trường tự lực, tự cường, tự quản, tự giám sát chéo lẫn nhau.
Với kinh nghiệm của Giáo sư Phan Văn Trường quản trị tại các doanh nghiệp, nhờ áp dụng văn hóa báo cáo đã phóng thích được ít nhất 60% thời gian làm việc của lãnh đạo và 30% thời gian của mỗi cộng sự.
Văn hóa ôn hòa và chuyên nghiệp (Nice and Professional)
Văn hóa ôn hòa và chuyên nghiệp (Nice and Professional) là mỗi cá nhân không làm việc cho cá nhân mình, mà cho công ty, nên những mâu thuẫn trong công việc như sự phản biện phong phú, cặn kẽ là cần thiết.
Mỗi cá nhân cần sự duy lý, dựa trên những lập luận, lắng nghe những quan điểm trái chiều để cùng nhau tìm giải pháp tối ưu cho tập thể, trong sự ôn hòa, cầu thị và cũng giúp mỗi cá nhân trưởng thành hơn qua sự học tập lẫn nhau khi làm việc nhóm.
Sự cảm tính, tự ái, cố chấp là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp sẽ cản trở cho sự tương tác gắn kết giữa con người và ảnh hưởng tới mục tiêu của tổ chức. Với văn hóa ôn hòa và chuyên nghiệp, tổ chức sẽ thành công cả hai mặt bên trong và bên ngoài.
Bên trong tổ chức là các đội nhóm tự tin, có động lực gắn kết cao trong không khí nhiệt tình và sáng tạo nên thành công là kết quả tất yếu như trái ngọt được thu hoạch sau khi gieo trồng hạt giống tốt và chăm sóc kỹ lưỡng trong mọi quá trình trưởng thành.
Còn bên ngoài thì tổ chức được các khách hàng, đối tác tín nhiệm vì họ được chăm sóc bởi đội ngũ nhân viên tận tâm, giải quyết những “nỗi đau” của khách hàng, mang lại giá trị thật cho họ.
Vì vậy thành công chắc chắn sẽ nối tiếp những thành công để đưa tổ chức lên hàng đầu nếu có khát khao, quyết tâm đủ lớn với phương pháp quản trị đúng đắn.
Ba trụ cột văn hóa trong quyển sách “Cơn lốc quản trị” là những gợi ý tuyệt vời để các doanh nghiệp tham khảo và thực chứng. Những sự thay đổi trong doanh nghiệp đều thông qua con người, đặc biệt người lãnh đạo luôn phải là người làm gương trong tư tưởng, hành động, đạo đức.
Nhờ áp dụng ba trụ cột văn hóa đúng đắn, các con người trong tổ chức đó sẽ trở thành một đội Samurai tự giác, tự quản, tự động theo hướng đạo đức.
Văn hóa được xem là một thành trì vô hình và đồng thời là một cỗ máy điều hành tuyệt vời – Một sự quản trị xuất sắc bậc nhất.
Biên tập: Visual Designer Duy Khang + Content Curator Ngọc Ánh + Newsletter Specialist Thanh Ngà.
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: