Nice and Professional trong quản trị
Nice và Professional: Hai giá trị không thể tách rời
Tên sách: Một đời quản trị
Nội dung: Thu Lài
Chào các bạn!
Hôm nay, xin hãy lắng nghe tâm tình của một người chưa hề kinh doanh, lại dường như cũng chẳng có máu kinh doanh nào. Thế mà mình lại được cuốn vào từng trang sách quản trị của một nhà quản trị bậc Thầy, vốn bôn ba khắp tứ phương, trải nghiệm đủ thứ mùi vị quản trị doanh nghiệp. Thành công đỉnh cao cũng có mà thất bại ê chề cũng đủ.
Với mình, khi đọc chương 5 và chương 6 của sách Một đời quản trị, dường như hiển hiện trước mắt mình chân dung của một người thấu tỏ ngọn ngành về văn hóa, một thứ thấu tỏ không rập khuôn, máy móc mà luôn mở rộng lòng - để đón nhận và thương yêu.
Văn hóa trong doanh nghiệp: Nền tảng cho sự phát triển
Xin bạn hãy nghe Thầy chia sẻ:
“Không có một khái niệm nào khó định nghĩa bằng văn hóa!… Trong lãnh vực nghề nghiệp của mình, tôi từng gặp mọi thứ văn hóa suốt 40 năm làm việc…
Nói tóm lại là, văn hóa nào cũng tốt, với điều kiện nó làm cho nhân viên thoải mái, làm việc hiệu quả, đóng góp cho một trật tự chung, đoàn kết và thông cảm lẫn nhau, vai trò của lãnh đạo được hiểu rõ một cách nhất quán; và những qui luật sống chung, công khai có, ngầm hiểu có, đều giúp cho doanh nghiệp phát triển và giữ chỗ đứng cũng như hình ảnh tốt ngoài xã hội”.
Nice and Professional: Triết lý văn hóa từ thực chiến
Vậy ra, đã gọi là văn hóa thì rốt cuộc cũng lại là: chúng ta ứng đãi với nhau ra sao, tạo cho nhau cái gì, rốt cuộc, cũng là người với người bạn nhỉ? Mình cảm nghiệm rằng, Thầy đâu chỉ đang nói về văn hóa trong doanh nghiệp. Mà rộng lớn hơn, trong phạm vi xã hội loài người nói chung, nếu mọi người đối đãi với nhau thoải mái, vui vẻ, cảm thông và sẻ chia thì mọi thứ sẽ luôn có giá trị, ở đó, ai cũng sẵn sàng tiếp sức cho nhau để cùng nhau tạo giá trị trường tồn.
Chẳng phải, chúng ta vẫn thường nghe nói về sức nặng của văn hóa trong xã hội đấy sao? Bạn có bao giờ tìm hiểu về văn hóa - hệ giá trị của một tổ chức, doanh nghiệp trước khi gửi CV tuyển dụng chưa? Nếu chưa, bạn hãy thử nhé, nó sẽ cho bạn một cách lý giải khá thuyết phục cách mà doanh nghiệp đó tồn tại trong cộng đồng.
Bạn ạ!
Đọc đến văn hóa doanh nghiệp, tôi ấn tượng đặc biệt văn hóa “nice and professional” mà Thầy Trường dẫn giải. Tôi thật sự đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần đoạn này trong sách:
“Thái độ “nice” (ôn hòa, dễ thương) sẽ đền bù cho sự khô khan và mạnh bạo của nhu cầu “professional” (chuyên nghiệp). “Professional” mà không “nice” thì đáng ghét và phá sự đoàn kết.
“Nice” mà không “professional” thì sẽ biến chúng ta thành đống thịt nhẽo ủy mị.
Nhất thiết là phải cả hai cùng đi đôi: “nice and professional”.
Tôi bỗng vỡ òa vì lần đầu tiên được sáng tỏ một chân lý tưởng chừng cực kỳ đơn giản, rất bình thường mà lại phi thường ấy. Ở thập niên 70, khi đảm nhận vai trò quản trị cho một tập đoàn 25.000 người, Thầy đã “phát minh” và dẫn dắt văn hóa này để điều hành, lấy nó như một giá trị nền tảng cho một đời quản trị của mình, sau khi đã trải qua nhiều môi trường văn hóa khác nhau ở từng công ty, từng quốc gia, khu vực với đủ thứ khác biệt, có lúc đến nghẹt thở.
Cũng ở những trang viết này, Thầy còn nhấn mạnh một cách thống thiết rằng:
“Mỗi lúc, mỗi nơi chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta đã làm hết sức chưa, chúng ta có professional không? Chúng ta hãy chỉ nên tự mãn khi vượt hết mọi người, không những thế chúng ta phải đi đến tận cùng con đường để vượt luôn cả chính mình nữa. Có thế thì mới là professional!”.
Ngẫm lại mình, tôi cảm thấy chột dạ. Bởi lắm khi tôi còn chưa làm hết sức, chưa dành trọn vẹn mọi sự quan tâm của mình để xử lý một công việc nào đó, hoặc chuyện trò thấu cảm với một ai đó, thậm chí đôi khi đánh rơi luôn cảm xúc trong một vài câu chuyện hằng ngày. Tôi vẫn còn rối rắm bởi những mớ công việc hỗn độn, rồi lại đổ lỗi cho nó mà chưa dũng cảm nhìn lại mình, xem lại sự professional của mình, liệu có đang ổn không?
Thầy nói đúng, nếu chỉ có nice thôi thì chúng ta sẽ tự biến bình thành đống thịt nhẽo, ủy mị mà thôi. Những dòng Thầy phân tích ở sách đôi lúc khiến tôi nóng bừng, bởi ngộ ra được nhiều thứ, thấy mình còn tệ lắm. Mỗi lần đọc lại, tôi lại ngấm thêm chút nữa, lại tự răn mình…
Sức mạnh lãnh đạo: “Moine - Soldat” (Chiến sĩ - Tu sĩ)
Bạn thân mến!
Thật thú vị là không chỉ có “nice and professional” đâu bạn nhé!
Nếu “nice and professional” là thứ văn hóa có sức điều binh khiển tướng cả tâm thức lẫn hành động của mỗi người thì văn hóa ấy cũng cần được hòa quyện vào một lối lãnh đạo đặc biệt mà chính Thầy Phan Văn Trường đã khám phá ra từ trải nghiệm của mình: Văn hóa “moine - soldat” (chiến sĩ - tu sĩ).
Thầy bảo rằng, sức mạnh nhập lại của một người lính dũng mãnh và tráng kiện và 1 thầy tu khiêm tốn, cần mẫn và tâm huyết.
Càng làm một nhà quản trị cấp cao thì phong cách lãnh đạo “moine - soldat” lại càng cần thiết vô cùng.
Từ trải nghiệm thực chiến của mình, Thầy chia sẻ đầy tâm huyết rằng:
“Khi ra trận đừng đòi hỏi xe tăng tàu bò, ngân sách và nhiều thứ khác như những điều kiện tiên quyết. Lãnh đạo sẽ hỗ trợ vì lãnh đạo cũng là chiến sĩ - tu sĩ, nhưng trước hết, bạn hãy vào trận như một tu sĩ - chiến sĩ. Hy sinh trước rồi đòi hỏi sau. Tin vào những giá trị của công ty mình như một tu sĩ tin vào đạo giáo của họ và cùng một lúc tiến quân lên như một chiến sĩ dũng cảm và biến báo”.
Vậy ra, một lần nữa Thầy lại nhắc về văn hóa của tổ chức - như một thứ đức tin cần phải thực hành trước hết, ngay từ trong tâm thức. Một nhân viên không đủ niềm tin vào giá trị của công ty, của doanh nghiệp, liệu họ có luôn sẵn sàng phụng sự và dấn thân trong công việc hay không? Cũng như vậy, với mỗi công dân của một đất nước, nếu họ hoài nghi muôn sự về văn hóa dân tộc họ, liệu họ có đủ can trường để kiến tạo giá trị cho quê hương, đất nước trong từng công việc hằng ngày của họ hay không?
Nguồn cảm hứng từ những người trẻ
Đây là một sự tự vấn cho chính tôi và các bạn của tôi - hầu hết họ là người trẻ. Quả thật, sức mạnh văn hóa là vô biên, nó đến từ những gì nhỏ nhặt nhất hằng ngày, bằng tình yêu thật với những gì bình dị nhất. Với mỗi doanh nghiệp hay mỗi đất nước, dân tộc đều như vậy.
Đến đây, tôi mới thật sự hiểu được, vì sao có nhiều người trẻ xung quanh tôi lại có một nội lực dồi dào đến vậy trên con đường lập thân, lập nghiệp, đem tình yêu đến với từng con cá, con tôm, vườn rau, với từng đứa trẻ chân đất, với những cánh chim cuối đàn.
Có lẽ với họ, kinh doanh hay làm bất kỳ điều gì có giá trị cũng chính là cách để phụng sự xã hội, để tạo thêm giá trị cho nơi mà chính họ đang thuộc về.
Quả là những chiến sĩ - tu sĩ mà tôi may mắn được gặp và được học trong cuộc đời.
Vâng, bạn ạ, không có gì là nhất thành bất biến. Chính Thầy cũng nói rằng:
“Văn hóa “nice and professional” và cách lãnh đạo theo hướng “moine - soldat” là một ví dụ nên theo, nhưng tôi nhìn nhận rằng có lẽ còn nhiều cách làm khác.
Tuy nhiên, dù theo cách nào, doanh nghiệp cũng cần phải có văn hóa đặc trưng, nhất quán và lãnh đạo nào cũng phải là người đi trước áp dụng những nguyên tắc văn hóa đó cho chính bản thân để làm gương.
Làm được như vậy tôi tin chắc rằng doanh nghiệp nào cũng thành công sớm hơn dự kiến, chính họ sẽ kinh ngạc trước sức mạnh của văn hóa trong doanh nghiệp của mình”.
Lời nhắn nhủ cuối cùng: Hành trình xây dựng văn hóa bền vững
Mình tin chắc rằng, ai đang kinh doanh hoặc lãnh đạo doanh nghiệp, khi đọc đến đây đều sẽ dành nhiều phút tự ngẫm về “chân dung hành nghề” của mình, để thêm một lần nữa định vị lại chính mình.
Hãy vạch ra lộ trình nỗ lực xây đắp cho văn hóa doanh nghiệp của mình thật vững chãi, để hành trình tiếp theo sẽ luôn vững vàng trước sóng gió, để mỗi ngày làm việc luôn đem lại tiếng cười và động lực cao, để nhân viên thương mình, xã hội thương mình, và để thành công thực trong cuộc đời này.
Mến chúc các bạn thành công, và nhớ là, luôn thật nice và professional nhé!
Chào tạm biệt các bạn!
Biên tập: Ban biên tập chuyên mục Cảm nhận sách hay (Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang + Newsletter Specialist Thanh Ngà).
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: