Quản trị bằng đạo đức và lương tri
Phong cách đạo đức chân tình, với tình cảm nhân ái bình đẳng, vì xã hội là người với người.
Tên sách: Một đời quản trị
Nội dung: Hải Anh
Mến chào các bạn!
Cấy nền Radio, chuyên mục Cảm nhận sách hay hôm nay xin nối tiếp hành trình cảm nhận về bộ sách Kết tinh một đời của Giáo sư Phan Văn Trường.
Bài cảm nhận số 1 này của bạn Hải Anh - một cô gái giàu cảm xúc, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cũng là thành viên của Ban Nội dung thuộc Cấy Nền Radio. Bạn chia sẻ rằng:
“Xã hội thực ra cũng chỉ là người với người thôi mà. Mình thấm thía đúc kết này của Thầy vô cùng. Thế nhưng, gắn kết giữa người với người theo Thầy Phan Văn Trường là cái khó trong quản trị, cũng như tạo động lực cùng với sự sáng tạo tối đa của các cá nhân. Nhưng tất cả đều có cách! Thật thú vị khi mình phát hiện ra cách mà Thầy đã từng trải nghiệm chính là xây dựng văn hóa tại nơi làm việc. Thực tình, suốt cuộc đời, Thầy đã “hành nghề” quản trị bằng “đạo đức và lương tri”.”
Mời các bạn cùng lắng nghe và cảm nhận nhé!
Giá trị của đạo đức và lương tri trong quản trị
Vừa kết thúc việc đọc “Một đời như kẻ tìm đường” của Giáo sư Phan Văn Trường, tôi lại tiếp tục cuộn mình vào cuốn thứ 2: “Một đời quản trị”. Quả thực, mới chỉ đọc những trang đầu tiên trong mục Dẫn nhập – Từ một lời của người cha, mình đã vô cùng xúc động. Hóa ra, những lời dạy và dặn dò của cha mình đã ảnh hưởng đến Thầy Phan Văn Trường mà cho tới 40 năm sau đó, Thầy cũng không cần phải thêm bớt sau khi đã chiêm nghiệm và làm việc cùng với những người lãnh đạo tài ba, những người Thầy, quý nhân đã giúp đỡ trong suốt những năm tháng thực hành quản trị của Thầy, cho dù ở nhiều vị trí, chức năng khác nhau.
Thầy chia sẻ rằng:
“Không riêng gì trong doanh nghiệp, mà có thể áp dụng chung cho cả xã hội thường ngày. Hễ lãnh đạo mà đạo đức, làm gương trên chính cái gì mình nói, hễ lãnh đạo biết tỏ ra thương nhân viên, với bằng chứng của tình thương hẳn hoi, ví dụ như có bánh là chia đều, có nước là để cho kẻ khát nhất uống chứ không cứ là lãnh đạo uống trước, hễ có công khó là lãnh đạo tiến lên hàng tiền đạo, hễ có vinh danh thì lãnh đạo lại nhường chỗ cho nhân viên đã đóng góp, hễ có thưởng phạt thì lãnh đạo nghĩ trước tới nhân viên đang gặp khó khăn rồi đến mình là chót, đôi khi còn nên bù phần của mình vào cho đầy đặn…thì lúc đó, nhân viên sẽ quý mến và đóng góp hết mình.”
“Phong cách đạo đức chân tình, với tình cảm nhân ái bình đẳng, vì xã hội là người với người.”
Đúng thế, xã hội thực ra cũng chỉ là người với người thôi mà. Mình thấm thía đúc kết này của Thầy vô cùng. Thế nhưng, gắn kết giữa người với người theo Thầy Phan Văn Trường là cái khó trong quản trị, cũng như tạo động lực cùng với sự sáng tạo tối đa của các cá nhân. Nhưng tất cả đều có cách! Thật thú vị khi mình phát hiện ra cách mà Thầy đã từng trải nghiệm chính là xây dựng văn hóa tại nơi làm việc.
Khởi đầu hành trình quản trị đầy thử thách
Đường vào quản trị của Giáo sư Phan Văn Trường kể vào đúng thời điểm Thầy tròn 40 tuổi, tôi vừa đọc vừa miên man theo lời kể của Thầy: 1986 là năm cực kỳ gay go cho Alsthom Power, công ty đa quốc gia của Pháp chuyên về lĩnh vực giao thông và vận tải, và là một trong những công ty hàng đầu thế giới về đường sắt (bao gồm tàu hỏa, xe điện mặt đất và tàu điện ngầm).
Alstom Power có 5 công xưởng chính, 2 ở Anh Quốc, 3 ở Pháp với 25 000 nhân viên, cấu trúc chồng chéo do lịch sử của các cuộc sáp nhập. Tình hình Tập đoàn lúc này bi đát trên nhiều mặt khi bình quân chỉ có 1 dự án mỗi năm và chỉ ở Trung Quốc; Tập đoàn mất dần ảnh hưởng trên thế giới; từ vị trí thứ 3 xuống thứ 6 thế giới (sau Mitsubishi Heavy Industries, Hitachi, Toshiba, Siemens và ABB).
Khó khăn của Thầy là Phó Tổng Giám đốc mới và lại không được hầu hết nhân viên ưa thích do là người nước ngoài và khác chuyên ngành. Vì thế các kỹ sư và chuyên viên tốt nghiệp ngành điện lực coi thường và luôn tuân thủ một cách miễn cưỡng. Và ở những chi nhánh công ty thuộc nhiều quốc gia khác nhau lại có những cơ cấu vận hành khác nhau nên cũng không dễ gì họ để lộ thông tin vận hành quản lý của mình. Để vượt qua những điều đó, Thầy đã làm gì?
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên đạo đức
Theo gương những anh hùng quản trị (theo cách gọi của Thầy), chọn chú trọng vào xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp với gốc là đạo đức nghề nghiệp, giàu tình cảm và sự quan tâm tới nhân viên, mong muốn giải quyết những cuộc đấu đá nội bộ do ghen tức nhau; xây dựng tính liêm khiết và minh bạch của doanh nghiệp, Thầy đã trải nghiệm nhiều cung bậc quản trị theo con đường ấy: Văn hóa và lương tri để tạo giá trị cho chính mình và cho tập thể. Với Thầy, họ chính là những nhà quản trị thực thụ, và họ đã ban tặng cho Thầy những giá trị thực của một đời làm nghề.
Điểm chung của những quý nhân trong đời quản trị của Thầy, đó là họ đều chú trọng vào đạo đức nghề nghiệp, tâm lý, sự quan tâm, tính liêm khiết, và văn hóa của tình thương và sự chuyên nghiệp trong doanh nghiệp.
Điển hình như ông Jean-Pierre Desgeorges, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Alsthom. Mỗi năm ông gặp mỗi nhân viên của công ty một lần là ít nhất, ông muốn xem tận mắt việc làm của họ, ông muốn nghe những bức xúc của cấp trên cũng như khó khăn của cấp dưới, thậm chí cả các anh em dọn dẹp và lao công. Ông muốn dò xét về đạo đức của mỗi nhân viên, muốn xử lý ôn tồn những cuộc đấm đá nội bộ do ghen tức nhau, thậm chí là dò xét những nơi tham nhũng nội bộ. Những thứ đó không thể nào ngồi thấu triệt được nếu như cứ ngồi trong văn phòng tại Paris đọc báo cáo.
Đích đến cuối cùng của ông đó là văn hóa doanh nghiệp,
Chỉ có văn hóa mới tạo ra nếp, chỉ có văn hóa mới thay thế được quy trình nặng nề, chỉ có văn hóa mới có khả năng thúc đẩy sự hi sinh, khuyến khích óc sáng tạo, là hàng rào ngăn cản tham nhũng, chỉ có văn hóa mới tạo ra được phong cách làm việc nhóm, san phẳng mâu thuẫn bằng lý trí, dẹp mọi xung đột bằng lý luận và chỉ có văn hóa mới gây nên tinh thần trách nhiệm.
Hay đặc biệt hơn đó là ông Kasame Chatikavanij - Chủ tịch và sáng lập viên Công ty EGAT (Công ty điện lực Thái Lan), công ty với ông là một gia đình thì không có giai cấp và chức tước. Không có sự khác biệt, chỉ có tình anh em. Hàng năm, ông tổ chức bữa tiệc lớn mang tên “một triệu giờ lao động không có sự cố”.
Trong bữa tiệc, ông cho mọi nhân sự ngồi xen lẫn với nhau, và luôn luôn nhắc nhở mọi người rằng: “Người ngồi bên cạnh bạn một ngày kia có thể mang tật nguyền vì sự vô ý của chính bạn. Gia đình họ từ đó có thể gặp khó khăn. Tình đồng nghiệp là trước hết thương nhau, thương gia đình của nhau, thương những cháu bé cần cha mẹ nuôi nấng”. Qua đó, ông cụ thể hóa lòng thương đồng nghiệp, để họ cảm nhận sát sao thế nào là một công trường an toàn, thế nào là sự cố xảy đến cho một người yêu thương.
Đạo đức và lương tri – Chìa khóa của quản trị bền vững
Lấy lương tri làm bảng chỉ đường, cùng với sự kiên nhẫn và tinh thần lắng nghe, thầy đã đi gần trọn một đời quản trị với nhiều đúc kết thật sự giá trị, sâu sắc.
Đọc đến đây, tôi liên tưởng tới những người lãnh đạo cấp trên của mình, đâu đó tôi nhận ra văn hóa “nice and professional” mà Thầy luôn chia sẻ, từ cách sống, cách làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Giờ thì tôi đã hiểu, đạo đức và lương tri - đó là thứ vũ khí kỳ diệu, là chất keo kết dính để duy trì và kết nối muôn người, muôn tổ chức, để ai cũng được làm việc với nhau ôn tồn, tương trợ và giàu tình yêu.
Tôi nghĩ, quản trị là con đường rất dài và rộng thênh thang nhưng quản trị đích thực thì chỉ có tình thương yêu, tính kỷ luật và sự giản dị, khiêm tốn, trong một tinh thần tráng kiện về đạo đức và trí tuệ mới tạo được những giá trị hồn nhiên, tích cực và bền vững trong lòng người và giữa cuộc đời này.
Biết ơn các bạn đã tận tâm dõi! Mến chào các bạn và mến chúc các bạn luôn giữ mãi đạo đức và lương tri của mình!
Biên tập: Ban biên tập Chuyên mục cảm nhận Sách hay (Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang + Newsletter Specialist Thanh Ngà)
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: