Đường vào quản trị
Quản trị, cũng như đời thường, đòi hỏi rất ít kiến thức và học thuật, và rất nhiều đạo đức, tâm lý và tầm nhìn.
Tên sách: Một đời quản trị - GS. Phan Văn Trường
Nội dung: Chương 2: Đường vào quản trị
The supreme quality of leadership is integrity. (Tạm dịch: Ưu tính cao nhất của lãnh đạo là sự ngay thẳng) - Tổng thống Dwight D. Eisenhower
Tôi sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Ngay từ hồi bé cho đến khi trưởng thành, tôi không có biểu hiện gì bẩm sinh, cũng như chẳng có việc gì trong cuộc sống hàng ngày làm cho tôi hay gia đình thân hữu có thể nghĩ rằng tôi có chút tố chất gì về kỹ năng quản trị trong ADN.
Gien của tôi là người học chữ, làm văn và nghề tương lai hợp lý nhất sau này là chuyên viên hay giáo viên. Quản trị hay thương mại là những lãnh vực không những cá nhân tôi mà cả gia đình tôi thực sự xa lạ.
Cha tôi suốt đời làm giáo viên và công chức. Khi không làm công chức thì làm giáo viên. Khi không làm giáo viên thì làm công chức. Mãi đến sau 50 tuổi, ông mới vào một công ty tư nhân về dệt vải là Sicovina, có trụ sở ngày trước nằm ngay trên góc đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi. Ông làm Tổng Giám Đốc ở đó một ít năm trước khi về hưu.
Thực ra, trong bản năng, Cha tôi không phải tay vừa trong khoa bảng, nhưng chưa bao giờ ông được học về quản trị. Ông cũng có truyền lại cho tôi một chút kinh nghiệm về quản trị, nhưng chủ yếu là quản trị dân làng, quản trị ngày lễ đình chùa, nhóm hát bội, quản trị sân và đình làng...
Một trong những bài học về quản trị mà ông truyền cho tôi là nghệ thuật nói để dân nghe và tuân thủ. Ông cứ dặn dò mãi:
“Sau này con gìn giữ đức độ là người ta sẽ tín nhiệm, con tốt lành thì người ta sẽ thương mến, con giữ miệng thì sẽ không ai có mâu thuẫn với con, và nếu ai con cũng quan tâm và giúp đỡ thì con sẽ có rất nhiều người theo mình.”
Tôi không thể nghĩ nổi là những nguyên lý từ Khổng giáo, nhân nghĩa lễ trí tín, học được từ cha tôi sẽ có ngày giúp tôi quản trị hiệu quả những tập đoàn đa quốc gia vĩ đại sau này.
Nói tóm tắt, không những trong dòng máu tôi không thừa hưởng một tố chất gì về quản trị từ Cha, đã thế tôi cũng như Cha, rất coi thường đồng tiền. Tôi tưởng đó là một hố sâu sẽ không bao giờ lấp đầy được. Khi không yêu tiền thì không thể nào lại có ngày quản trị có đẳng cấp được , tôi từng nghĩ thế. Có ngờ đâu, tôi đã khám phá ra sau này rằng:
Chính khi coi tiền như một tài sản trừu tượng, hoàn toàn trừu tượng, thì khả năng quản trị mới được thể hiện.
Mẹ tôi thì giống như mọi phụ nữ gương mẫu ngày xưa, trông nom chồng và gia đình trong tinh thần công dung ngôn hạnh, tứ đức và tam tòng. Rõ ràng bà đã cho tôi cái gien của một con người gọn gàng chu đáo, nhưng còn về kỹ năng quản trị, đó là một con số không vĩ đại.
Trong những chương tới tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc những người đã có ảnh hưởng sâu đậm trên tôi, không những trong ngành nghề mà cả trên triết lý sống. Thật ra cả hai mặt đều có liên hệ mật thiết.
Còn ngay tại đây, xin nói luôn là tôi đã rất bất ngờ khám phá ra rằng chính những ưu khuyết mà cha mẹ tôi, ông bà nội ngoại tôi đã truyền trong ADN của tôi mới là gien tốt cho sau này về quản trị cũng như kỹ năng lãnh đạo.
Thật vậy, quản trị đâu phải một trò chơi nhất thời! Quản trị một công ty là đưa đội của mình phát triển, làm việc có ích cho xã hội, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, phối hợp được nhân sự để lấy được sự tương tác cao, tạo ra lợi nhuận... và cuối cùng là xây dựng sự trường tồn cho doanh nghiệp, một sự trường tồn với niềm hạnh phúc bền vững.
Tôi may mắn chưa bao giờ học quản trị qua những thông số, sơ đồ, vì đơn giản, tôi chưa bao giờ được vào lớp học quản trị. Tuy nhiên, cha tôi đã dạy cho tôi tính liêm khiết với người trước mặt và tự trọng với chính bản thân, ông đã làm gương cho tôi thấy là khi lãnh đạo hy sinh cho nhân viên thì nhân viên sẽ hy sinh cho doanh nghiệp với nhiệt huyết tương tự. Khi gìn giữ được đạo đức thì công ty sẽ luôn luôn lành mạnh và nhất là sẽ nắm được yếu tố bền vững, vì chỉ có đạo đức mới làm cho mọi việc vững bền.
Bà nội tôi và mẹ tôi đã cho tôi thấy sự nhẫn nại sẽ lợi hại như thế nào trong một cuộc chiến dài đằng đẵng. Ngay tính nóng của ông nội cũng đem lại cho tôi cảm tưởng là không bao giờ nên lần lữa do dự khi việc phải quyết đã rõ.
Sau này, tôi phải khiêm tốn thưa với bạn đọc rằng tôi lấy quyết định rất nhanh, có thể nói tinh tế, mỗi khi sự việc đã được phân tích. Ông nội đã làm cho tôi hiểu rằng không quyết định nào là hoàn hảo và không bao giờ ôm được thành quả trọn vẹn, mà luôn luôn trong quyết định, chúng ta phải lựa chọn cái gì mình lấy vào cũng như cái gì mình phải hy sinh.
Sau này tôi ngạc nhiên được nghe một số lãnh đạo công ty Tây Âu nói không khác gì những cảm nhận của tôi. Điểm cơ bản là tầm nhìn, lương tri, pháp luật, đạo lý và khả năng dốc hết vào việc quản trị, thậm chí cả sự hy sinh đời sống riêng tư nữa.
Nếu bạn đọc thật hiếu kỳ thì chỉ cần xem danh sách của các doanh nghiệp được thành lập lâu đời, đôi khi từ thế kỷ thứ XVI, như các ngân hàng của gia đình Rothschild chẳng hạn, hoặc các tập đoàn như Schneider, Michelin. Rồi bạn hãy tự hỏi tại sao họ trường tồn, và những lãnh đạo nào đã dẫn dắt sự phát triển của họ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Bạn sẽ ngã ngửa ra khi khám phá rằng họ quản trị rất đơn giản, nhưng văn hóa của họ cực kỳ cao, tính liêm khiết và minh bạch của doanh nghiệp cực kỳ hoàn hảo. Thậm chí ngay con cái của họ luôn luôn giữ những đức tính khiêm tốn, tiết kiệm, quý người, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho dù họ có trù phú đến bao nhiêu.
Cái mong mỏi của tôi là bạn đọc sẽ đi tới Niết Bàn của quản trị bằng cách áp dụng một triết lý quản trị cũng như triết lý sống thật tích cực cũng như thật lành mạnh. Lộ trình của trường tồn hẳn ở đúng chỗ đó đấy bạn ạ .
Cuối cùng, sau 40 năm lăn lộn với thương thuyết, quản lý và quản trị, sau 40 năm lặn lội với đời sống thực so với những khái niệm, tôi thấu hiểu được rằng quản trị, cũng như đời thường, đòi hỏi rất ít kiến thức và học thuật, và rất nhiều đạo đức, tâm lý và tầm nhìn.
Từ đó, bất thình lình, tôi khám phá ra rằng chính những đức tính dân dã, làng mạc, quê mùa mới giúp cho người quản trị thực sự thành công. Đành rằng khi quản lý thì bạn phải sử dụng các mô hình khoa học và kỹ thuật, nhưng khi quản trị thì bạn cần biết lắng tai nghe, biết quan tâm đến xã hội bên ngoài cũng như bên trong doanh nghiệp, biết truyền thông trung thực, biết phản ứng thẳng thắn, biết tránh nói bóng gió mà ngược lại biết trọng yếu tố cụ thể.
Bạn phải biết tôn trọng ý kiến của mọi đối tác. Bạn phải biết làm cho xã hội vui vầy an sinh và có lòng để tương tác.
Và tôi mới vỡ ra rằng các ông bà nội ngoại của tôi, cha mẹ tôi, có lẽ cả các cụ tổ trong làng nữa đã truyền lại cho tôi những tố chất lành mạnh, đơn giản và khiêm tốn giúp tôi sau này quản trị nhiều tập đoàn lớn đa quốc gia với những thành quả được nước Pháp ghi nhận.
Cuộc đời tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lộ trình tới quản trị thật kỳ quặc.
Đi tìm cái phức tạp để rồi hiểu rằng đời thật rất giản dị nếu muốn thành công.
Biên tập: Ban biên tập chuyên mục Cảm nhận sách hay, Visual Designer Duy Khang, Content Editor Hương Giang, Newsletter Specialist Thanh Ngà
Nhạc nền: Bởi Nghệ sĩ Jurrivh (Orchestral Version)
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: