Dẫn nhập: Một đời quản trị
"Những nguyên tắc và nghệ thuật quản trị sẽ không bao giờ mất thời gian tính, vì nó không có thời gian tính. Và tôi cũng tự hứa rằng tôi có bổn phận truyền bá lại. Đây hẳn là một nghĩa vụ."
Tên sách: Một đời quản trị - GS. Phan Văn Trường
Nội dung: Dẫn nhập
Từ một lời của cha...
You manage things; you lead people.
Công việc thì cần được quản lý; nhân sự thì cần được lãnh đạo.
Grace Murray Hopper
Nội dung của quản trị
Trước hết tôi xin có đôi lời về từ quản trị mà tôi sẽ dùng trong suốt sách này. Có độc giả sẽ nghĩ đây là sách về kinh doanh. Do đó họ sẽ gắn từ “quản trị” với “kinh doanh” thành “quản trị kinh doanh ”.
Bạn ạ, tôi không muốn gắn ý niệm “quản trị” (governance) với bất cứ từ nào khác. Bởi lẽ những gì bạn sẽ khám phá ra trong sách có thể được áp dụng cho bất cứ trường hợp nào có nhân sự, có nhân sinh quan, có cảm nhận, có định hướng, có bổng lộc, có thưởng phạt, và tất nhiên nó thể hiện cho khả năng lãnh đạo (leadership) . Quản trị sẽ áp dụng được cho một đội cảm tử sắp lên đường làm việc lớn, một đoàn hướng đạo, một doanh nghiệp, thậm chí cả một quốc gia.
Quản trị, ngắn gọn, là nghệ thuật chọn việc, chọn mục tiêu rồi chọn người, chọn lộ trình, chọn thời điểm để đi tới và sắp xếp để đạt được mục tiêu chung.
Dùng người ở đây có nghĩa rõ ràng là tận dụng được cá tính, khả năng, nghị lực của nhân sự làm việc với mình, phóng thích được óc sáng tạo hữu dụng của họ, động viên tối đa được động lực và tâm trí của họ, và cuối cùng đạt mục tiêu được chọn ngay từ thuở ban đầu.
Nhưng hơn thế nữa! Làm xong việc mà nhân sự cảm nhận được hạnh phúc chân chính trong việc làm thì mới gọi là quản trị!
Cái khó trong quản trị là gắn kết người với người, và gây động lực cùng với sự sáng tạo tối đa. Ngày xưa khi chỉ đang ở chức giám đốc cấp trung, tôi đã có một thói rất “ác” là khi các đội làm việc với tôi than thiếu người, tôi hay lấy quyết định ngược đời là giảm số nhân viên thay vì tăng cường!
Bạn ạ, tất nhiên quản lý nhân sự kiểu đó không phải lúc nào cũng đúng, nhưng lại là một quyết định mang tính quản trị. Kinh nghiệm cho thấy đội càng đông người càng mất tính đoàn kết. Nếu đông quá mức cần thiết thì xích mích giữa đồng đội không thể tránh, họ sẽ tranh nhau vị trí mà lại không có việc để tranh nhau, hiệu năng tập thể sẽ kém, khó lòng có sự gắn kết. Kinh nghiệm cho thấy làm việc mà cố tình giảm nhân viên dưới số cần thiết một chút thì dễ đem lại gắn kết, tương tác và động lực tập thể!
Bạn đọc lại sẽ hỏi làm sao chỉ huy nếu không dùng sơ đồ ? Trong sách, tôi sẽ giải thích là văn hóa doanh nghiệp quan trọng hơn sơ đồ tổ chức như thế nào, thậm chí quan trọng hơn cả việc lựa chọn lãnh đạo giỏi rất nhiều.
Trên văn hóa là tầng cao của triết lý doanh nghiệp.
Hễ triết lý đúng, mà văn hóa cũng tốt, thì việc lãnh đạo sẽ dễ dàng hơn.
Còn nếu có cả một chuỗi lãnh đạo xuất sắc kế vị thì khả năng trường tồn cũng cao.
Sơ đồ là những dụng cụ cần thiết để quản lý tốt công việc, nhưng văn hóa doanh nghiệp là chất keo, là một nếp sống trong một trật tự nào đó, là một thái độ cầu tiến, là một phong cách chân thật, phục thiện.
Có được văn hóa doanh nghiệp tốt thì các mô hình, sơ đồ quản lý sẽ tìm được đất sống, đem lại hiệu quả cao. Thiếu văn hóa doanh nghiệp thì sơ đồ và mô hình chỉ còn là những cái cớ rỗng tuếch để giả dạng làm việc, để tự che giấu sự thiếu động lực, thiếu lộ trình, thiếu ổn định.
Chỉ có thực tính
Một điều nữa tôi muốn thưa với độc giả là sách này sẽ đi theo cùng một chí hướng với sách “Một Đời Thương Thuyết” – giữ thực tính tuyệt đối. Có gì từng xảy ra trong đời người thì mới nói. Tôi sẽ tránh nhất để sách mang tính giáo điều, thậm chí ảo.
Hồi còn trẻ hơn, tôi từng mê say đọc những cuốn sách của những người thực sự đã sáng lập ra siêu doanh nghiệp của họ, hoặc đã chính tay của họ đưa doanh nghiệp nhỏ lên hàng đầu hoàn vũ. Những ông như Terry Leahy, tác giả của “Management in Ten Words”, Richard Branson với sách “The Virgin Way”, hoặc Jack Welch, được mệnh danh là “Nhà Quản Trị của Thế Kỷ”, là những lãnh đạo phi thường trong đời thật mà các bạn đọc nên tìm sách hay tài liệu của họ mà đọc ngấu nghiến và chiêm nghiệm.
Bản chất Việt
Sách được viết trực tiếp bằng tiếng Việt sẽ có ích hơn cho số đông. Ngoài ra, kinh nghiệm của người Việt trong kinh doanh trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ hữu ích hơn cho người Việt, so với kinh nghiệm của một lãnh đạo người Anh, Đức hay Mỹ tại nước của họ.
Thế rồi rất nhiều vấn đề có ở xứ ta mà không có ở xứ họ, những vấn đề này lại có ảnh hưởng cao trên việc quản trị. Ví dụ như độ cảm tính rất cao trong các mối quan hệ giữa các nhân viên trong doanh nghiệp; tham nhũng nội bộ; kế toán trong môi trường kinh tế không ổn định và quà lót tay; hoặc như mối liên hệ chủ tớ quá quan liêu với một hình sắc không giống nơi nào khác; hay ảnh hưởng của mê tín dị đoan trong tầm nhìn của lãnh đạo, cũng như khi họ phải lựa chọn lấy hay không rủi ro vào mình.
Tôi lại xin cố gắng làm việc đó một lần nữa, và tôi rất mong mỏi các tác giả Việt viết bằng tiếng Việt trên những sự kiện có ích cho người Việt sẽ đông hơn mỗi ngày.
Nghe Cha giải thích...
Năm 1970, tôi về thăm quê nhà lần đầu tiên. Năm đó tôi vừa tốt nghiệp kỹ sư tại Trường Quốc Gia Cầu Đường tại Pháp (Ecole Nationale des Ponts et Chaussées ).
Hồi đó, cha tôi đang làm việc trong công ty bông gòn Sicovina với 1.000 nhân viên, mà trụ sở ở ngay góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi, TP.HCM. Từ cửa sổ tầng thứ nhất trong tòa nhà này, cha tôi luôn luôn trông thấy Nhà Hát Lớn, xưa kia là Quốc Hội.
Tôi thường tới văn phòng của Cha, một là vì tôi rất hãnh diện tới thăm chỗ Cha làm việc, nhưng thật ra, có lý do thứ hai, tôi rất thèm gia nhập công ty của Cha tôi với tư cách của kỹ sư mới ra trường.
Cha tôi biết ý nên luôn luôn khuyên nhủ:
“Ở Việt Nam người ta phải chạm trán với một thực tế khác hẳn với các xứ văn minh như Pháp, Mỹ, Đức. Ví dụ như việc quản lý sử dụng tiền mặt trong công ty không đi theo phương pháp bài bản của Âu Tây mà phải ứng xử theo theo nhịp độ của lạm phát... Một ví dụ khác là công nhân thường hay đình công vì những lý do khác hẳn với lý trí, chẳng giống gì bên Âu Tây... Tất nhiên để giải quyết các vấn đề này lại cần nhiều kinh nghiệm hơn là kiến thức. Con mới ra trường, con nên tập sự tại Pháp. Sau vài năm, hồi hương cũng không muộn”.
Tôi lại hỏi Cha thêm: “Thế thưa Cha, Cha đánh giá vấn đề gì là khó nhất trong việc quản trị doanh nghiệp, con muốn hỏi để sau này tập trung vào đó mà tiến...”
Cha tôi đáp, những lời vẫn còn văng vẳng bên tai tôi, với giọng ấm áp, vẻ mặt nghiêm nghị nhưng nhân ái:
“Tự con sẽ thấy sau này là việc quản trị doanh nghiệp dính liền với việc quản lý nhân sự. Nhân sự bất bình là doanh nghiệp đảo điên, nhân sự mà vui vẻ thì mọi việc sẽ trơn tru tiến tới, kết quả chẳng mấy là khó đạt ”.
Tôi lại hỏi thêm: “Thế thưa Cha, làm sao để nhân viên lao động vui vẻ?”.
Cha tôi nhìn tôi, vừa tủm tỉm cười vừa thương hại đứa con còn ngây ngô, rồi nói:
“Con ạ, không riêng gì trong doanh nghiệp, mà có thể áp dụng chung cho cả xã hội thường ngày, hễ lãnh đạo mà đạo đức, làm gương trên chính cái gì mình nói, hễ lãnh đạo biết tỏ ra thương nhân viên, với bằng chứng của tình thương hẳn hoi.
Ví dụ như có bánh là chia đều, có nước là để cho kẻ khát nhất uống chứ không nhất cứ là lãnh đạo uống trước, hễ có công khó là lãnh đạo tiến lên hàng tiền đạo, hễ có vinh danh thì lãnh đạo lại nhường chỗ cho nhân viên đã đóng góp, hễ có thưởng phạt thì lãnh đạo nghĩ trước tới nhân viên đang gặp khó khăn rồi đến mình là chót, đôi khi còn nên bù phần của mình vào cho đầy đặn...Con ạ, quản trị ở nước nhà là phải như thế đấy....đúng vào lúc đó, nhân viên sẽ quý mến và đóng góp hết mình ...”
Và ông lại nói thêm:
“Con hãy nhớ một điều tiên quyết: các doanh nghiệp hơn nhau ở chỗ nhân viên có động lực cao và nhất lòng theo lãnh đạo hay không, chứ nói chung, nhân viên ở đâu cũng na ná giống nhau thôi.
Nếu họ nhiệt tình họ sẽ không làm việc gì sót, họ sẽ báo cáo trung thành và ngay ngắn, họ sẽ tự động não để tìm giải pháp thay luôn cả lãnh đạo, họ sẽ chế tạo ra những phương pháp làm việc mới, những sản phẩm mới mà chỉ có trí óc bừng nóng nhiệt tình mới tìm ra, họ sẽ che chở lãnh đạo mà họ mến quý, họ sẽ gắn bó với tương lai của doanh nghiệp, họ sẽ không quản làm việc 24 tiếng trên 7 ngày suốt năm để chỉ nhận lãnh vinh dự của nhân viên trong công ty đứng hàng đầu.
Nhưng trước hết, người lãnh đạo phải cho họ, cho công ty, hết tất cả những gì có thể cho, một cách thành thật, chân chính, và tất nhiên vẫn hợp lý...
Vào đúng lúc đó, con sẽ cảm nhận được ý nghĩa thật của cuộc đời nghề nghiệp, đó là vinh dự, hạnh phúc và mồ hôi nước mắt được chia sẻ đồng đều, trong tinh thần bình đẳng chứ không trên quan hệ chủ tớ. Chuyện này con sẽ không bao giờ thấy được ở nước ngoài, vì phản ứng của nhân sự ở các nước Âu Tây khác ta lắm .”
Và ông kết luận:
“Con hãy học những phương pháp về lãnh đạo và quản lý bài bản. Nhưng khi học những thứ đó xong, con hãy trở về với nhân sự, với phong cách đạo đức chân tình, với tình cảm nhân ái bình đẳng.Vì xã hội là người với người.
Chân lý nằm đúng ở chỗ đó.
Hạnh phúc cũng nằm đúng ở chỗ đó.
Thành công cũng vậy, nó sẽ tới một cách dĩ nhiên, ngẫu nhiên.
Cha chúc con một cuộc đời nghề nghiệp mà con có thể mãn nguyện .”
Tôi vẫn hỏi thêm Cha: “Vậy sự mãn nguyện thể hiện ra sao, Cha?”.
Cha tôi ôn tồn bảo:
“Người thành công là người muốn chia sẻ và truyền đạt lại những kinh nghiệm và bí quyết thành công. Người mãn nguyện còn hơn thế, không những vào cuối cuộc đời họ sẽ cho hết, mà họ sẽ cho với một nhiệt tình thật nồng nàn đặc biệt, vì họ đã được xã hội yêu mến trong suốt những năm khó nhọc với nghề nghiệp ...”
Tôi không ngờ rằng ngay lúc mới 24 tuổi đời, tôi đã được nghe một bài học về quản trị mà 40 năm sau tôi không cần thêm bớt.
Tôi đã may mắn nghe những lời vàng ngọc của Cha. Thời gian và kinh nghiệm cũng như sự tiến hóa của thế giới đã và sẽ cho chúng ta có thêm nhiều dụng cụ để quản lý. Nhưng con người vẫn là con người muôn thưở.
Những nguyên tắc và nghệ thuật quản trị sẽ không bao giờ mất thời gian tính, vì nó không có thời gian tính. Và tôi cũng tự hứa rằng tôi có bổn phận truyền bá lại. Đây hẳn là một nghĩa vụ.
Càng vật vã, càng trải nghiệm
Trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi, chính vì số vất vả, nghiệp chóng vánh, chức vụ không bao giờ ổn định lâu nên bản thân tôi đã gặp khá nhiều thử thách và có nhiều cơ hội thấm nhuần nghề quản trị. Trước thì bị quản trị. Sau thì trở thành người thủ lĩnh. Trước thì có dịp nếm mùi bị kiểm soát, bị bắt nạt, bị quan lớn áp chế một cách quan liêu. Sau thì đến lượt mình chọn cách ngồi trên đầu người khác
Tôi đã chọn phong cách nào, các bạn sẽ khám phá chi tiết trong những chương tới, nhưng tôi đã tránh những phương pháp ngày xưa làm cho tôi khổ tâm, nhọc mệt, nghĩ ngợi, tủi thân, phẫn nộ một cách hoàn toàn vô ích.
Bài học quản trị vô giá: tôi hiểu được trong mỗi con người có cả quỷ lẫn thần, có thằng lười cũng như chú chuyên cần. Hơn thế nữa, hễ nói đến nhân sự không bao giờ được nghĩ ai ngu dốt. Không ai ngu, không ai dốt cả!
Chỉ có lãnh đạo biết sử dụng và điều động theo đúng khả năng của mỗi người, cho họ những động lực cần có, rồi sau đó dẫn họ nhào vào trận chiến uy dũng hơn ai.
Thành thử, viết về quản trị không thể nào tách rời được với khái niệm “lãnh đạo”.
Người lãnh đạo giỏi sẽ biến những người tầm thường thành nhân viên phi thường.
Chẳng phải đi đâu xa, trước mắt chúng ta đã chứng kiến mấy đội bóng hàng đầu thế giới. Chỉ đổi huấn luyện viên, một đội thần thoại bỗng dưng biến thành một đống thịt nhẽo, chẳng đua với chạy gì nữa.
Cuốn sách này sẽ dẫn bạn đọc lần lượt đi qua những pha đáng ghi nhớ của chính cuộc đời nghề nghiệp của tôi. Mong bạn sẽ thích thú đi một vòng thế giới nghề nghiệp với tôi, kinh qua các nơi tôi đã được bổ nhiệm và thực hành trong nhiều năm, khám phá những quý nhân nào là người mẫu của tôi, cũng như những cộng sự nào đã cùng với tôi xây dựng một đế chế.
Tôi sẽ cố gắng sau mỗi cuộc phiêu lưu đó phân tích những lỗi lầm cũng như những điểm chuẩn trong việc quản trị.
Lời kết
Lời Dẫn nhập của tôi đã khá dài, nhưng cần thiết vì tôi thiết tưởng phải giải mã cho bạn đọc tại sao tôi đau đáu, muốn cống hiến tiếp về quản trị sau sách về thương thuyết, tại sao tôi chọn nội dung đó, tại sao quản trị lại vừa dễ vừa khó, làm sao rút hết được nghị lực và khả năng của nhân sự để tiến lên hàng đầu, giữ mãi mãi hàng đầu và cứ như thế trường tồn. Dưới góc cạnh đó, bạn đọc nào cũng nên ít nhiều cố hiểu về quản trị.
Có lẽ các chương sau sẽ ngắn gọn hơn. Vì một khi đã rõ nội dung của quản trị thì để quản trị tốt không cần nhiều lời nữa. Vài ví dụ, vài thử thách đã qua sẽ bóc tất cả phấn son của bí mật quản trị để chỉ còn giữ lại một phong cách đối xử chất phác với nhân viên, đưa tới việc phóng thích hết đức tính và khả năng của họ trên lộ trình tiến thủ.
***
Cuối cùng, tôi cũng muốn bạn đọc hiểu là tôi viết sách này chính là để tặng riêng bạn đấy. Tôi không muốn viết để lấy bút nhuận hay tác quyền. Giống như sách trước, Một Đời Thương Thuyết , tôi đã chính thức tặng tác quyền và bút nhuận cho Quỹ Giáo Dục Lê Mộng Đào để giúp đỡ sinh viên nghèo và ưu tú.
Tinh thần của tôi là tặng hết! Chính việc làm vô vị lợi này lại càng làm cho cá nhân tôi thêm vui vẻ nhiệt tình, lại càng làm cho động lực của tôi cao và mang nét minh sáng. Vậy bạn hãy nhận sách này như là một món quà cho cá nhân bạn, bạn nhé.
Tôi mong bạn đọc hiểu ý tôi. Nếu đúng như thế thì quả thực tôi sẽ rất mãn nguyện.
GS. PHAN VĂN TRƯỜNG
27/01/2017
Biên tập: Ban biên tập chuyên mục Cảm nhận sách hay (Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang + Newsletter Specialist Thanh Ngà).
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: