Hãy nhìn sâu hơn, để thấy rõ hơn
"Hãy sống sao cho thật xứng đáng với cuộc đời này" – bài học về lòng kiên trì, bao dung và ý chí vươn lên từ câu chuyện đời Bà Xuân Phượng.
Trong tập đầu tiên của series podcast “Không Giới Hạn” của Cấy Nền Radio, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu câu chuyện truyền cảm hứng của Bà Xuân Phượng, một người phụ nữ với hành trình sống đa dạng và ý nghĩa.
Từ một cô gái Huế đến một người chiến sỹ cách mạng, từ công việc bác sĩ quân y đến một phóng viên chiến trường và đạo diễn phim tài liệu. Khi đã ngoài 60 - ở tuổi mà người ta nghĩ nên "về hưu" thì Bà tiếp tục khởi nghiệp và là chủ phòng tranh tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Hành trình ấy không chỉ là bài học về sự kiên trì, đam mê mà còn là lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ:
“Hãy sống sao cho thật xứng đáng với cuộc đời này.”
Gánh Gánh Gồng Gồng: Cuốn hồi ký của một người phụ nữ phi thường
Trong suốt cuộc đời mình, Bà Xuân Phượng đã sống một cách mãnh liệt, cống hiến và kiên cường. Với Gánh Gánh Gồng Gồng, Bà Xuân Phượng tái hiện hành trình đầy gian truân nhưng cũng đầy ý nghĩa của mình – từ một cô gái trẻ tham gia kháng chiến vì khát vọng giải phóng dân tộc, đến những ngày tháng nỗ lực hết mình trong vai trò bác sĩ quân y, phóng viên chiến trường, và đạo diễn phim tài liệu.
Cuốn sách không chỉ giúp độc giả hiểu hơn về những khó khăn mà Bà đã vượt qua, mà còn mang một ý nghĩa đặc biệt với gia đình Bà. Qua từng trang viết, Bà muốn những người thân yêu của mình, đặc biệt là thế hệ sau, hiểu được lý do vì sao Bà đã lựa chọn con đường cách mạng.
“Bà muốn trong quyển sách này bà kể một cách chân thật hồi ký đời bà, để giới trẻ có thể thấy rằng là không có gì là tuyệt vọng, con ạ. Mà trên đời này, nếu con cố gắng, nếu con có một cái ý chí sống, con quyết tâm làm theo cái việc mà mình mong muốn thì cuộc đời nó sẽ trải qua như vậy. Cho nên vì những ý đó mà bà viết quyển sách “Gánh Gánh Gồng Gồng”.”
Nghệ thuật “nhìn và thấy”: Bài học từ một mái nhà giữa bom đạn
Năm 1967, trong lòng cuộc chiến khốc liệt ở tuyến Vĩnh Linh, bà Xuân Phượng đã trải qua một chuyến đi khó quên cùng một nhà đạo diễn người Pháp – Joris Ivens. Cuộc hành trình đến một ngôi trường học “nửa nổi nửa chìm” giữa bom đạn đã dạy Bà bài học về nghệ thuật “nhìn và thấy” – một triết lý mà bà xem như kim chỉ nam để đối diện với mọi thử thách trong cuộc đời. Từ thời khắc đó, “nhìn và thấy” đã trở thành một cách sống, một phương pháp giúp bà thấu hiểu thế giới đầy bất trắc xung quanh.
Bà kể lại rằng chuyến đi này được thực hiện trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm: “Cứ 5 phút là một trận bom. Tiếng máy bay gào thét trên bầu trời không ngừng”. Nhóm quay phim buộc phải chia thành hai đội để đảm bảo an toàn: một nhóm làm việc, nhóm còn lại luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với rủi ro. Đây không chỉ đơn thuần là công việc, mà còn là cuộc chiến với chính nỗi sợ hãi, buộc mọi người phải giữ tinh thần thép để tiếp tục nhiệm vụ.
Tại ngôi trường đặc biệt này, bà đã chứng kiến một khung cảnh vừa nghịch lý, vừa lay động tâm hồn. Ngôi trường được xây mỗi phần mái nhô ở phía trên mặt đất, còn bên dưới được đào theo các đường hào. Trẻ em đi học không phải bước vào những ngôi nhà thông thường, mà phải lần theo những đường hào khúc khuỷu. “Bom rơi thì chạy xuống hầm sâu ở dưới”, bà kể lại với giọng xúc động, như thể vẫn cảm nhận được sức mạnh của những tâm hồn nhỏ bé ấy.
Đạo diễn người Pháp, ông Joris Ivens, khi chỉ đạo quay phim, đã nói một điều mà Bà nhớ mãi:
“Đây là anh đứng ở ngoài và anh quay một cái mái nhà trên một cái đường hào. Anh phải nghĩ rằng khi anh quay mái trường này là anh quay một cái vũ khí chống lại cái sự tàn bạo. Bom đạn Mỹ muốn tiêu diệt cái nơi này trở thành bình địa, thì cái mái nhà của sự học vấn, mái nhà của cái văn minh con người, mái nhà của những em không chịu sống cái đời kham khổ mà phải đi học. Cái mái trường ấy là một thứ vũ khí chống Mỹ. Anh phải quay thế nào cho được cái ý đấy. Anh “nhìn” thấy cái mái nhà, nhưng anh “thấy” đằng sau cái mái nhà là một sự thách thức ngạo nghễ đối với bom đạn Mỹ.”
“Anh hãy quay những bước chân thật nhỏ bé của chúng nó, đạp lên nền đất đầy bom đạn. Và anh theo cái bước chân ấy, anh đi xuống dưới hào, người ta sẽ hiểu là tại sao những bước chân của trẻ con là phải chạy nhảy trên bãi cát, vui đùa trên những cái vườn hoa, bãi cỏ. Vậy mà bước chân của trẻ con Vĩnh Linh lại đi trên bom đạn như thế này.”
“Cái bom đạn ấy lại đưa các em vào hầm tối chứ không phải ra một cái công viên. Và vào hầm tối rồi, các em ấy đi đến một nơi để mà học những chữ viết đầu tiên của các em, để nói rằng chúng tôi không bị cái sự dã man của bom đạn làm cho chúng tôi không học, làm cho chúng tôi thành như những đứa bé ngu muội. Chúng tôi học vì cái kiến thức, vì chúng tôi là những con người xử sự văn mình.”
Cách mà Ivens hướng dẫn, về sau, đã in sâu trong tâm trí bà Phượng: “Nhìn và thấy”. Khi một người quay phim lia ống kính từ những hố bom loang lổ đến bầu trời đầy vòng khói trinh sát, rồi cận vào ngôi trường, khung hình đã truyền đi thông điệp rõ ràng: nền đất có thể bị bom phá, nhưng ngôi trường này vẫn đứng đó, như một lời tuyên ngôn bất khuất trước bom đạn tàn bạo của kẻ thù.
Bà nói rằng, từ câu chuyện đó, Bà học được cách “nhìn và thấy.” Nhìn một mái nhà không chỉ là nhìn vật chất của nó, mà là thấy cả ý nghĩa phía sau. Nhìn một bông hoa không chỉ là thấy vẻ đẹp, mà là công sức của biết bao người từ người trồng, người chăm sóc, đến người mang nó đến tay bạn.
Nghệ thuật "nhìn và thấy" – Khi bao dung trở thành sức mạnh lớn nhất
Nghệ thuật "nhìn và thấy" không chỉ dừng lại ở việc quan sát sự vật, mà còn mở rộng đến cách nhìn nhận con người. Nếu việc "nhìn" một mái nhà hay một bông hoa có thể giúp ta thấu hiểu ý nghĩa sâu xa phía sau chúng, thì việc "nhìn và thấy" con người lại đòi hỏi trái tim biết cảm thông và sự bao dung. Đây chính là điều đã giúp Bà Xuân Phượng vượt qua những mâu thuẫn, thách thức trong cuộc đời, để biến những tổn thương thành cơ hội thấu hiểu và hóa giải.
Bà từng kể rằng, những năm tháng sau 1975, Bà phải đối mặt với sự soi mói, nghi ngờ chỉ vì xuất thân từ một gia đình trong nam. Thời điểm ấy, không phải ai cũng đủ cởi mở để thấu hiểu, và Bà nhận về không ít ánh mắt thiếu thiện cảm, những lời đồn thổi ác ý. Một trong những trải nghiệm đau đớn nhất là khi một người đồng hương – một người mà bề ngoài vẫn gọi Bà là "chị chị em em" – lại chính là người tung tin đồn thất thiệt, vu oan cho gia đình Bà.
Cơn giận dữ âm ỉ trong Bà. Ai mà không tức giận khi bị hạ bệ, bị tổn thương một cách vô lý? Đã có lúc Bà nghĩ đến việc trả thù, và Bà hoàn toàn có thể làm điều đó. Bà biết người kia có sai phạm lớn, chỉ cần một lời tố cáo, người đó sẽ phải trả giá. Nhưng rồi, thay vì vội vã phản kháng, Bà lặng lẽ tìm hiểu về người đã hại mình. Và khi Bà "nhìn thấy" – thấy rõ hoàn cảnh bi kịch của họ: tuổi thơ bị bạo hành, bị tổn thương bởi chính những người thân cận nhất – trái tim Bà không còn giận dữ nữa. Bà chọn cách tha thứ.
Bà kể rằng, khoảnh khắc nhìn người đó khóc, Bà hiểu rằng mình đã đúng. Tha thứ không chỉ cứu một con người đang lạc lối, mà còn giải thoát chính tâm hồn Bà khỏi những oán hận. Không những thế, Bà còn giúp người kia chuộc lại lỗi lầm, để họ có cơ hội làm lại từ đầu.
“Cái đó là cái nhìn và cái thấy, và khi thấy thì con người mình sẽ bao dung hơn. Con thử áp dụng vào cuộc đời con, con sẽ thấy rất nhiều chuyện con nghĩ là không thể tha thứ được mà nó trở lại nhẹ nhàng”.

Hành trình để sống một đời cho xứng đáng
Trong cuộc trò chuyện, Bà Xuân Phượng đã nói một câu khiến bất kỳ ai nghe được cũng phải trăn trở:
“Con người ta chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho xứng đáng với cuộc đời mà mình đã được hưởng.”
1. Sống hữu ích cho đất nước – Điều quan trọng nhất
Bà nhắn nhủ rằng, để sống xứng đáng, điều đầu tiên cần làm là trở thành một con người hữu ích. Hữu ích không phải là điều gì lớn lao, không phải là cống hiến vượt ngoài sức mình, mà đơn giản là sống có trách nhiệm. Trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với công việc mình làm, và xa hơn, với cộng đồng, đất nước.
Mỗi việc nhỏ bạn làm hôm nay, từ hoàn thành một nhiệm vụ, giúp đỡ một người xung quanh, hay đơn giản là đối xử tử tế với chính mình, đều góp phần định hình giá trị của bạn. Những điều nhỏ bé, khi tích góp lại, sẽ tạo nên một ý nghĩa to lớn.
2. Tìm thấy sự hài lòng qua thử thách
Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Chính bà cũng từng trải qua biết bao biến cố, bao khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng điều khiến bà cảm thấy tự hào là cách bà đối diện với những thử thách đó: không trốn tránh, không gục ngã, mà chấp nhận, vượt qua và rút ra bài học cho chính mình.
“Những lần thất bại, mình choáng váng chứ. Nhưng lại cảm ơn cuộc đời ngay. Nhờ thế mình mới biết mặt con người là như thế nào. Thế cho nên là đừng có bao giờ oán trách là tại sao lại số phận lại đưa mình như thế, đấy là một cái sự thử thách. Con nhớ chữ thử thách.
“Khi anh vượt lên được anh thành một con người khác, anh không vượt lên được anh thành một con người khác. Thì gắng làm thế nào thành một người tích cực, chứ đừng bao giờ vì một cái thử thách mà trở thành một người tiêu cực.“
3. Sống xứng đáng với cuộc đời bạn
“Con người ta chỉ sống có một lần.” Nghe thì đơn giản, nhưng để sống sao cho xứng đáng, đó lại là một câu hỏi lớn. Sống xứng đáng là sống trọn vẹn, sống với ước mơ, với lý tưởng của chính mình. Đừng để bất kỳ ai hay điều gì khiến bạn đánh mất bản thân.
“Các cháu khi mới vào đời hoặc các cháu khi khởi nghiệp, hãy nhớ lời Bà: Đừng có đầu hàng. Tại vì khi mình không đầu hàng thì không có cái sợi dây leo, không có cái nào nó bao trùm lên mình thành một con vật. Mình gạt tung hết ra, mình nói “Tôi là một con người, tôi sống xứng đáng với cuộc sống và tôi đã trải qua.””
Chúng ta may mắn được sinh ra, được trao tặng trí óc và khả năng để theo đuổi những điều mình mong muốn. Vậy nên, hãy sống sao để không phải nuối tiếc. Dù là khó khăn hay vấp ngã, hãy coi đó là một phần của hành trình để bạn trưởng thành và tìm thấy chính mình.
Lời kết
Câu chuyện của Bà Xuân Phượng là một minh chứng sống động cho sức mạnh của sự kiên trì, đam mê và tình yêu quê hương. Bà không chỉ sống một cuộc đời đầy ý nghĩa mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ sau, nhắc nhở chúng ta rằng:
Con người ta chỉ sống có một lần, hãy sống sao cho xứng đáng với cuộc đời mà mình đã được hưởng.
Hãy nhìn nhận và trân trọng những gì mình có, sống với trách nhiệm và lòng bao dung, bởi chính những điều nhỏ bé đó sẽ tạo nên giá trị lớn lao. Và khi đối mặt với khó khăn, đừng quên rằng, cuộc sống luôn có thể đẹp hơn nếu chúng ta biết nhìn và thấy sâu sắc hơn. Câu chuyện của Bà Xuân Phượng là lời nhắc nhở để chúng ta sống trọn vẹn, sống xứng đáng với cuộc đời này.
Xem thêm video đầy đủ:
Tên podcast: Sống sao cho thật xứng đáng với cuộc đời này | Bà Xuân Phượng | Cấy Nền Radio | #KhongGioiHan 01
Nội dung: Cấy Nền Radio
Biên tập: Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây
Xem thêm: