Khởi đầu hành trình hạnh phúc
"Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chính trong những khoảnh khắc khó khăn ta mới thật sự hiểu được giá trị của tình yêu và sự sẻ chia"
Tên sách: Một đời như kẻ tìm đường - GS. Phan Văn Trường
Nội dung: Chương 1: Mở đầu - Khởi đầu hành trình hạnh phúc
Cuộc đời của tôi chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1963, khi tôi mười bảy tuổi. Cha mẹ tôi đã dành dụm nhất phép chia đủ phương tiện đi du học bên Pháp.
Vào thời đó chính sách của chính phủ miền Nam là chỉ cho phép những sinh viên tuấn tú đi du học. Học thật giỏi thì được học bổng toàn phần. Học khá giỏi thì được một nửa học bổng. Học cũng phải khá thì đơn xin du học mới được xét, nhưng trong trường hợp đó thì sinh viên không được hưởng học bổng, mà phải tự túc.
Tôi thuộc trường hợp này vì không phải là một học sinh xuất sắc, tuy nhiên cha mẹ tôi cho rằng đi du học cần thiết không những để thu thập kiến thức, mà còn cho phép đứa con được cọ mình với cuộc sống đầy đó. Và cha mẹ tôi không nghĩ sai.
Rất đông sinh viên Việt Nam sang Pháp thời đó sẽ có được một học trình tốt đẹp. Rất đông sẽ thành công sau này, sau khi tốt nghiệp. Một số lớn còn ở lại nước đã đón tiếp mình, sau khi họ nhận được cơ hội tiến thân từ một quốc gia văn minh. Nói chung, đó là trường hợp của số đông chúng tôi cùng lứa tuổi, tôi không phải là một biệt lệ.
Nhưng những trường hợp du học thất bại cũng không hiếm. Một số ít bạn học của tôi cũng gặp sự cố, hoặc không đáp ứng được với cuộc sống khó khăn ở nước sở tại. Một anh họ của tôi đã nhuốm bệnh tâm thần do áp lực cao của lớp học.
Riêng cá nhân tôi đã gặp một cảnh ngộ hi hữu. Ở trong một tình huống tương tự, có lẽ một số người khác sẽ khó ngóc đầu lên. Nhưng vào thời đó, không hiểu sao, có lẽ vì tôi còn ở tuổi quá nhỏ chăng, tôi đã một mình vượt từng khó khăn mà không than vãn, không hoảng hốt.
Tôi đã chẳng nhìn thấy gì trước mắt vào lúc đó, càng xa hơn ý tưởng xây dựng tương lai. Tôi đã bám lấy mấy cái phao để không chìm trong một đại dương biến động. Tôi đã chỉ biết sống với cái phao, nhưng rồi phao cũng dần dần đưa tôi vào bờ.
Nhìn lại “kính chiếu hậu” mới thấy mình đã sống nhiều tháng kinh khủng quá, nhưng ngay tại lúc gặp nạn, tôi chỉ bám lấy hơi thở để sống, không nghĩ gì xa hơn. Có lẽ chính vì tôi ngây ngô vô thức ở tuổi mười bảy, không có họ hàng thân thuộc bên cạnh, không có đến một người bạn học để cùng chia sẻ, ở một mình trong tỉnh lẻ, mà tôi mới học được sự tự tin.
Những ngày đó là những lúc tôi cảm nhận mãnh liệt là có Đấng Trên Cao soi xét, cân lượng và cứu giải. Và chính vì Đấng Trên Cao đã đoái ngó tới thân phận của tôi ngày đó, mà đến tận hôm nay, và mãi mãi, tôi đã nguyện trả lại cho loài người, cho đất nước, cho bằng hữu tất cả tình cảm và sự che chở mà tôi đã nhận được như là một đặc ân.
Bài viết sau đây đã được đăng trên trang CafeBiz năm 2017 để “vô tình” dự cuộc thi “Hành Trình Hạnh Phúc” do Liên Đoàn Lãnh Đạo và Doanh Nhân Trẻ Hà Nội - JCI Hà Nội - cùng với Dự án Sách và Hành Động tổ chức. Và cũng vô tình, bài đã đoạt giải đặc biệt và đã được chia sẻ rất rộng rãi trên các mạng xã hội. Như thường lệ, tôi chi kể chuyện thực, nhất là lúc viết lại sự tình thì tôi không biết bài sẽ được đưa vào một cuộc thi.
Năm ấy là năm 1963, tôi 17 tuổi.
Thật tôi sẽ nhớ mãi cái năm Mão ấy, tôi vừa bước chân tới nước Pháp để du học, thì tôi đã bị một người Việt Nam tước mất gần hết tài sản ngay đêm đầu tiên.
Nếu vào thời điểm ngày hôm nay thì thực tình mà nói số tiền tôi mất hồi đó cũng không quá to, 3 ngàn đô la. Nhưng đó là tất cả số tiền tôi đem đi để làm vốn cho ít nhất hai năm học, đối với một sinh viên không có nhà cửa gia đình anh em bên cạnh thì nó to lắm. Mà nó cũng rất to đối với cha mẹ tôi, vì đó cũng là tất cả số tiền cha mẹ tôi dành dụm để chuẩn bị cho con đi học ở nước ngoài. Với đồng lương công chức của cha tôi thì đó là công dành dụm từ nhiều năm về trước.
Thế nhưng ngay hôm đầu tiên tôi tới Pháp, mắt nhắm mắt mở, chân ướt chân ráo, giờ giấc ngược xuôi, thì tôi đã bị tước mất số tiền đó do một băng đảng du đãng ăn chơi, họ chuyên môn đón đầu những sinh viên còn ngây thơ vừa bước sang nước xa lạ. Tôi đã bị dọa bởi vũ khí, và tôi đã để tuột tất cả những gì có trong tay, cả số tiền khổng lồ được dành dụm bằng tình yêu của cha, được gói ghém từ bàn tay của mẹ.
Và từ một thanh niên mới ra đời với nhiều ưu đãi, tôi đã biến trong khoảnh khắc thành một thằng bé vô gia cư, chưa có nghề nghiệp và nhất là không còn gì trong tay để phấn đấu, cũng như không có chỗ vịn thực sự, trên một đất nước mà mình chưa nói sõi tiếng người, chưa hiểu thực văn hóa, chưa có bạn, chưa có cả một tấm để trải mình ban đêm.
Ngày đó đâu có như bây giờ, không có điện thoại di động, chi có telegram để báo tin khi cần, nhưng linh tính đã khuyên tôi không thông báo cho gia đình ở nước nhà, vì chuyện đã rồi, việc báo tin chi làm cho cha mẹ lo thêm. Thế là tôi ôm một mình bí mật rằng tôi đã trắng tay.
Vài chục năm sau, khi nghĩ lại sự cố đã xảy ra cho mình, thì tôi mới ngỡ ra là chính cái sự cố vô cùng bi đát ấy đã giúp cho tôi, một thằng bé 17 tuổi, sớm thành người.
Trùng lúc ở bên Pháp tôi bị trắng tay hết tiền, thì cha tôi lại bị sự cố tại nước nhà. Phải một người bạn của Cha đi công cán sang Pháp mới cho tôi thông tin không mấy vui về Cha. Mẹ tôi có gửi ông bạn đó một lá thư trong đó Mẹ dặn đi dặn lại là con cố cầm cự với số tiền mang theo càng lâu càng tốt, rồi đến khi gia đình ổn định trở lại thì Mẹ sẽ gửi tiếp.
Nào Mẹ có biết sự thật phũ phàng phía bên này... Và tôi cũng viết vội vài hàng gửi Mẹ qua tay của ông bạn rằng Mẹ đừng lo, số tiền Cha Mẹ cho con còn nguyên và nhờ đó con sẽ sống được thoải mái nhiều năm sắp tới. Đó là lần đầu tiên tôi đã nói dối Mẹ.
Phải mấy chục năm sau, tôi mới dám hồi tưởng lại cái thời kỳ kinh khủng đó. Vì khách quan mà nói, nó kinh khủng quá. Nhưng tại sao tôi không giữ lại một chút đắng cay là một điều tôi khó lý giải.
Mẹ tôi, khi gặp lại tôi vài năm sau đó mới rõ sự thật, bà cứ khóc mãi, bà tự trách sao trót để đứa con yêu lâm vào cảnh ngộ quái dị như vậy. Nhưng trong lúc mẹ khóc thì tôi lại vui cười sung sướng ôm mẹ. Tôi còn nói với mẹ:
“Mẹ ạ, suốt năm học ấy con không khổ chút nào mà rất sung sướng mẹ ạ, mẹ đừng khóc nữa... vì chẳng có gì để khóc.”
Nghĩ lại chuyện của tôi, tôi không khỏi bàng hoàng và cùng một lúc tôi có cảm giác hạnh phúc. Bàng hoàng vì có lẽ tôi sẽ không bao giờ sẵn sàng sống lại một thời kỳ như thế. Nhưng tại sao tôi lại có cảm giác hạnh phúc từ sự trải nghiệm đó thì thực tình tôi không rõ.
Phải chăng tôi đã được hưởng trọn niềm hạnh phúc của một con người tự tạo nên.
Từ bàn tay trắng tôi đã thành con người tôi ngày nay. Tôi đã lông bông nhưng chưa bao giờ bụi đời. Tôi mới khám phá ra rằng tôi đã được hưởng một cái ADN cứng cỏi, lấy tính hiền từ làm cách hành xử. Lấy nụ cười can trường để làm bia bảo vệ. Những thứ đó như có sẵn trong cơ thể. Rõ ràng tôi chỉ biết mỉm cười mà không biết khóc.
Phải chăng đó là do tính lạc quan.
Tôi chưa bao giờ nhìn nỗi khó trước mặt như là một cực hình mà ngược lại tôi đã chỉ trông thấy những cơ hội được mở ra, thậm chí những thách thức rất đáng sống.
Phải chăng là tôi đã hiểu rất sớm rằng hạnh phúc bắt nguồn từ tình yêu thương.
Tôi đã được nhà trường Dourdan yêu thương, Cha Paul yêu thương, Ông Bà gác dan yêu thương, Bà y tá Monique yêu thương, Chị Trà thánh thượng yêu thương. Thế giới của tôi vào lúc đó chỉ có thế nhưng đó là thế giới của những người tình nghĩa. Tình nghĩa và đoàn kết, biết cảm nhận, biết xót xa, biết chia sẻ. Chia sẻ hột cơm, chia sẻ mồ hôi, chia sẻ ngọt bùi.
Phải chăng là tôi luôn luôn có trong người tế bào hy vọng.
Tương lai sẽ luôn luôn sáng nếu còn hy vọng. Thực ra, chính khi mình nằm tận đáy thì mình mới bám vào hy vọng để trông chờ. Từ đáy thì mình chỉ có thể vươn lên, tương lai chỉ có thể sáng hơn!
Phải chăng là tôi có một niềm tin mãnh liệt nơi Đấng Trên Cao.
Tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Nhưng, trong lời cầu nguyện tôi luôn luôn chỉ xin có thêm sức mạnh và sự soi sáng của Thượng đế chứ tôi chưa bao giờ xin những thứ khác. Và tôi ngạc nhiên tôi chưa bao giờ bị Đấng Trên Cao bỏ rơi.
Có lần tôi hỏi Cha tôi: “Cha ơi, thế nào là thành công? Thế nào là một cuộc đời sung mãn và hạnh phúc?”.
Ông nhìn đứa con và chậm rãi trả lời: “Người thành công là người muốn khẩn khoản chia lại những gì Phúc Lành đã ban cho mình. Chia lại tài sản, chia lại kiến thức, chia lại kinh nghiệm sống”.
Tôi lại hỏi Cha: “Còn thế nào là hạnh phúc?”.
Cha mỉm cười và ôn tồn chia sẻ với tôi: “Con ạ, hạnh phúc là cái gì con cảm nhận được khi con đã chia sẻ thật nhiệt tình, với tất cả lòng trong sáng từ bi”.
Và Cha còn nói thêm:
“Con hãy đem cả thân thế của con để xây dựng tình người, con hãy dùng tài sản riêng tư như là những viên gạch để kết nối và đoàn kết người với người. Con đừng bao giờ nhìn lên hay nhìn xuống mà coi mỗi người như là một người bạn đồng hành, đón nhận học với những cá tính của họ. Con hãy quý trọng ý kiến của mỗi người, vì chỉ có sự đa dạng mới làm nên một xã hội hùng mạnh, một đất nước trù phú”.
Những lời của Cha còn văng vẳng bên tai. Nghĩ lại tôi vẫn choáng váng, và tôi chỉ mong suốt cuộc đời xứng đáng với ước niệm của Cha.
Biên tập: Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang + Newsletter Specialist Thanh Ngà
Nhạc nền: Bởi Nghệ sĩ Twisterium
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: