Những hướng đi khả thi về nghề nghiệp và cuộc phiêu lưu khám phá bản năng
Thế giới sẽ có đủ chỗ cho mỗi cá nhân thiện chí và nhân ái.
Tên sách: Một đời như kẻ tìm đường - GS. Phan Văn Trường
Nội dung: Chương 5: Những hướng đi khả thi về nghề nghiệp và cuộc phiêu lưu khám phá bản năng
Những yếu tố nào giúp cho bản thân tiến bộ?
Theo rất nhiều chuyên gia kinh nghiệm thì kiến thức hàn lâm được học từ nhà trường chỉ đóng góp một phần nhỏ. Vốn kiến thức đó phải được bổ sung hàng ngày trong khi hành nghề.
Trong nghề thuốc hay nghề kỹ thuật chẳng hạn, có rất nhiều sách hoặc bài báo cáo được chia sẻ trên các kênh truyền thông chuyên môn. Các bác sĩ nào vừa qua trải nghiệm chữa những bệnh lý hiếm hoi thường báo cáo những phương án họ đã chọn và những cách thức cụ thể trong việc áp dụng những phương án đó. Họ sẽ phân tích sau cuộc chữa trị những lý do tại sao thất bại hoặc thành công.
Những kinh nghiệm lâm sàng của tất cả các bác sĩ chữa trị cùng một loại bệnh lý sẽ giúp cho loài người tiến dần tới những kết quả tối ưu trước những căn bệnh hiểm nghèo. Tôi còn nhớ chỉ cách đây hai chục năm, các bệnh như ung thư hay AIDS sẽ không cho người bệnh một tia sáng hy vọng nào.
Ngày nay, ít nhất tại các nước hàng đầu về y khoa, kết quả về chữa trị rất khả quan. Và ngay khi tôi viết những dòng chữ này thì có thông tin khá nghiêm túc rằng bên Nhật đã có thuốc chữa ung thư mà chỉ cần uống một viên là xong, cũng như bên Do Thái, các đội bác sĩ nghiên cứu đã chính thức loan báo rằng trong vòng một năm sắp tới, bệnh ung thư sẽ có thuốc và phương cách chữa trị hữu hiệu, và thế giới sẽ có thể xem bệnh ung thư như một căn bệnh rất bình thường như tất cả các bệnh tầm thường khác.
Một yếu tố khác đóng góp không nhỏ cho sự thành công sau này, không do sự lựa chọn môn mà cũng do sự quan tâm và học hỏi không ngừng suốt đời là văn hóa tổng hợp và chuyên môn. Văn hóa này có thể tiếp nhận từ việc đọc sách cũng như từ những buổi hội thảo chuyên đề mà mỗi cá nhân phải cố theo dõi và tiếp nhận.
Nghề nào cũng sẽ có những thông tin đầy đủ về nghề đó.
Người thành công là người có tư duy bám lấy những biến chuyển công nghệ và thị trường.
Chẳng nói đâu xa, ngay đánh giầy là một nghề ngoài đường phố, thậm chí không thể gọi là nghề mà chỉ là một cách sống qua ngày thôi, cũng phải theo dõi và học hỏi. Ngày nay các thuốc bảo quản da giầy, đánh bóng có rất nhiều cho nhiều loại da.
Thậm chí tại New York hay tại những nơi sang trọng, đã có nhiều công ty nhỏ chăm sóc giầy của khách hàng sang trọng. Một đôi giầy hiệu Beluti đáng giá hơn 2000 đôla không thể nào được bảo quản bằng thứ thuốc “tự pha” mà phải dùng những thứ thuốc thật phù hợp, để đôi giày sẽ đẹp hơn mỗi ngày cho cả một đời người sử dụng.
Yếu tố thứ ba, nhưng quan trọng nhất, vẫn là thái độ vừa chuyên nghiệp vừa hòa nhã (nice and professional) trong lúc hành nghề. Nói một cách đơn giản, đó là sự quan tâm đến khách hàng, nghệ thuật biết sống với xã hội chung quanh.
Yếu tố này dùng cho mọi nghề chuyên môn hay không chuyên môn. Xã hội bên ngoài mà quý mến mình thì không còn lý do gì mình không nhận được sự ủng hộ, thậm chí sự hỗ trợ khi cần.
Tóm lại, bạn chọn môn học nào cũng được, bạn chọn nghề nào cũng đặng, bạn chọn đối tác nào cũng xong, thành công sẽ tới với bạn nếu bạn yêu nghề và yêu xã hội.
Thành thử, để trở lại trường hợp những sinh viên già, cố tình vào đời muộn màng, họ không vào đời trắng tay mà thực ra họ đã bỏ công góp vào một vốn rất lớn: đó là họ đã chín chắn hơn trong các mối quan hệ xã hội, đã hiểu hơn khung cảnh và môi trường, đã học được khả năng nắm bắt ý kiến của người chung quanh, đúc kết những ý kiến này thành một cẩm nang. Họ trở thành người cầu thị hơn, phục thiện hơn, nhạy cảm hơn, bớt chủ quan hơn, và dưới một bề ngoài êm ái hơn họ sẽ chủ động hơn.
Viết đến đây, tôi không khỏi nghĩ đến các bạn trẻ quá may mắn sinh trường trong những gia đình có nhiều phương tiện, có sẵn nền nếp giáo dục tự nhiên, nhưng lại có những phụ huynh không để cho con cái lăn lộn với cuộc đời, nắm những cơ hội để thu thập trải nghiệm. Thái độ bao bọc này làm hại nhiều cho con cái, thành thử những đứa con được nuông chiều sẽ khó đi tới thành công hơn nếu so với những trường hợp “bụi đời”.
Ngay cả khi cha mẹ là những doanh nhân tạo luôn cho con những điều kiện để kế nghiệp cũng không thể nào thay thế được hoàn toàn những bài học mà trường đời dành cho mỗi chúng ta. Tư duy bao bọc quá lâu không phải là một quyết định mang tính “sinh thái”, trừ khi đứa con có một bản lĩnh phi thường.
Nhưng những trường hợp phi thường thì quá hiếm, và chuyện bi kịch mà chính tôi đã được chứng kiến nhiều lần, là những đứa con bản lĩnh phi thường chỉ có một ước mong là thoát khỏi “nanh vuốt” yêu thương của cha mẹ để tự lập. Âu cũng là một mâu thuẫn đáng chú ý.
Học gì để củng cố tay nghề (trong mọi nghề)?
Có một điều tôi thấy cần thiết phải cảnh báo các ứng cử viên cho sự thành công, nhất là cho các phụ huynh của họ:
Ngày nay không nghề nào trường tồn do sự biến chuyển quá nhanh chóng của công nghệ và tốc độ lan truyền của nhu cầu tiêu dùng.
Các nghề “mệnh chung” rất nhanh và sẽ được nghề khác thay thế.
Tôi không muốn châm biếm, nhưng cha mẹ nào tưởng rằng thương con, để lại cho con một công ty phồn thịnh với nhân viên trung thành, rồi phong chức chủ tịch hay tổng giám đốc cho con trước khi về hưu, sẽ làm một việc đáng quý nhưng lầm lẫn.
Thế kỷ trước mà làm thế quá đúng. Các gia đình Rockefeller hay Rothschild đến ngày hôm nay đã thành công trong việc tạo luồng kế nghiệp ổn định từ hai thế kỷ. Ngày nay, vị trí chủ tịch hay tổng giám đốc không còn đơn thuần là một vị trí quyền thế mà còn đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải bồi dưỡng thêm mỗi ngày về tài chính, pháp luật, kỹ thuật…
Học gì để tự trang bị thật chu đáo?
Vậy bạn ạ, phải làm gì, học gì, và chọn môn gì để thành công trong tương lai? Đây vừa là một chuyên đề quá phức tạp mà cùng một lúc quá đơn giản.
Trước hết phải học viết, học lắng nghe và học phát biểu. Truyền thông đấy bạn ạ, nếu nói một cách ngắn gọn.
Nhưng ngày nay học viết có nghĩa là biết sử dụng laptop hơn ai. Học lắng nghe còn khó hơn nhiều vì bạn phải có một số vốn văn hóa và kiến thức khổng lồ thì bạn mới hiểu rõ được đối tác nói gì và thực sự muốn nói gì, vì đối tác ngày nay đến từ mọi nơi trên thế giới, từ nhiều văn hóa khác biệt.
Còn nếu bạn muốn phát biểu trong thời kỳ công nghiệp 4.0, thời kỳ của máy thông minh hơn trí óc con người và của đô thị thông minh, bạn phải nắm bắt được tâm lý người nghe, kỹ thuật sử dụng micro, cũng như kiểm soát chính mình – nụ cười, giọng nói, cử động tay chân, cách chải tóc, kiểu đeo cravatte, vì xác suất bạn bị quay và thu livestream là không thể tránh được!
Sau khi học xong những kỹ thuật truyền thông mênh mông ấy thì bạn hãy học tập suy luận, phân tích, đánh giá, so sánh, đúc kết... Cái nào cũng khó.
Rồi ngay sau đó bạn sẽ học nghệ thuật dùng vốn để đầu tư!
Bạn chỉ cần nhớ một điều cơ bản, rằng ngày nay người ta may mắn lắm cũng chỉ thành công một lần trên ba lần đầu tư. Đây là nguyên lý của mọi công ty khởi nghiệp. Ông Warren Buffett đã học bài học này, chẳng khác ông Bill Gates hay ông Steve Jobs.
Sau cùng là học cách tự học.
Càng ngày càng có lắm thứ để học, không trường nào dạy được hết, không thầy nào dạy cho xuể. Và học đến đâu thì điều mà bạn vừa học cũng đang thay đổi. Hơn lúc nào hết, tất cả những gì mới mẻ mình học ngày hôm nay thì chỉ trong vài tháng nữa, vài năm nữa sẽ lỗi thời. Như vậy, người nào không biết tự học sẽ không bao giờ có khả năng theo dõi được những điều tiến hóa.
Thành thử bài toán thành công lại quá xa sự chọn lựa môn học, chọn lựa trường đại học, cho dù Stanford hay Harvard chăng nữa, mà tùy thuộc vào những thứ gì khác mà Stanford và Harvard không dạy, hoặc chỉ dạy chút ít!
Đó là trường đời, đó là hành xử với xã hội. Đó là hiểu thấu đáo cự ly rất nhỏ rất hợp giữa thành công và thất bại.
Và muốn học nó thì bạn chỉ còn đúng một phương án thôi: hãy tự ném mình ra ngoài đời, không một đồng xu trong túi, cho dù phải ngủ dưới cầu, ăn cơm nguội một thời gian.
Đến khi bạn hốc hác nhưng tươi cười hiểu rằng bụi đời trong nhiều năm đã cho phép bạn thấu triệt một ít nghệ thuật sống, thì bạn cũng hiểu luôn rằng mình không thể thành công nếu xã hội chung quanh không muốn cho mình thành công. Bạn đã biết chia phần, chia cảm nhận, chia ngọt bùi. Bạn đã đánh giá được giá trị quá nhỏ của đồng tiền mà quá lớn của đồng vốn.
Chính đó mới là lúc những hiểu biết hàn lâm mới đạt được đúng giá trị thật của nó.
Cuối cùng, chọn lựa nào để thành công?
“Nếu Thượng Đế muốn, thì tôi sẽ có được một vận mệnh tầm quốc gia.”
Đây là lời phát biểu với báo chí của ứng cử viên Georges Pompidou vài tháng trước khi ngài được bầu làm Tổng Thống của Cộng Hòa Pháp.
Ông Pompidou chỉ là giáo viên dạy Pháp văn của một trường tiểu học tại một tinh nhỏ lẻ ở miền Trung nước Pháp khi mới bước vào cuộc đời nghề nghiệp. Và nếu không có gì đột phá trong đời thì có lẽ ông vẫn là giáo viên dạy Pháp văn khi về hưu.
Bước ngoặt của đời ông tới bất ngờ khi Tướng De Gaulle ngỏ ý tìm một nhà giáo biết viết tiếng Pháp thật chuẩn, và có người đã tiến cử ông Pompidou. Nhiều năm sau, Tướng De Gaulle đắc cử Tổng Thống Pháp đầu tiên của Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp đã chọn ông Pompidou làm Thủ Tướng.
Cuộc đời của ông Lech Walesa còn ly kỳ hơn. Là một lao động thợ thuyền suốt đời, ông đã lên lãnh đạo Nghiệp đoàn Công nhân Solidarnosc tại Ba Lan. Sự xuất hiện của Thánh Karol Wojtyla, một đồng hương Ba Lan, được bầu làm Đức Giáo Hoàng John Paul II đã thay đổi hoàn toàn cục diện của đời ông Walesa. Ông rồi sẽ trở thành Tổng Thống nước Ba Lan (1990-1995) sau khi được vinh danh trong Giải Nobel năm 1983.
Tôi đã cố tình chọn ví dụ về hai vị tôi vô cùng kính trọng để thưa với bạn đọc rằng đời người là một cuộc phiêu lưu không ngừng, và chẳng ai biết ngày mai mỗi cá nhân trên thế gian này sẽ đi về đâu, sẽ nhận được những cơ hội gì và có khả năng thành công không. Nhưng cả hai trường hợp của ông Pompidou và ông Walesa đều minh họa sự không liên quan giữa nghề nghiệp ban đầu khi mới vào đời và những vị trí mà họ đi tới sau nhiều năm sinh hoạt.
Rút cục họ thành công, nếu chúng ta xem việc trở thành Tổng Thống là một thành công nghề nghiệp, do họ đã không ngừng và không mệt mỏi đóng góp trong nhiều năm cho đất nước của mình.
Rút cục sự thành công là kết quả của một quá trình hoạt động, đóng góp và tiến bộ chứ không phải là một kịch bản được ai đó bày sẵn.
Mỗi người chúng ta phải tự tạo ra con người mà chúng ta muốn trở thành.
Quá trình tự tạo không bao giờ ngừng, và nhất là không bao giờ hoàn tất trong một ngày. Quá trình đó là sự rút tia những bài học từ những hành động, những trải nghiệm, những dịp tham khảo người chung quanh cũng như những sách mà tiền nhân để lại cho chúng ta.
Quá trình tự tạo chỉ có thể xảy ra khi ta xông xáo, sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm mà xã hội trao dần cho chúng ta trên con đường thử thách. Nó sẽ dày dặn hơn khi ta chiêm nghiệm lại những thất bại, ôn lại những lỗi lầm, tìm hiểu lại những giải pháp đúng đắn. Nó sẽ thấm thía hơn nếu ta mang hết tấm lòng, trái tim để phục vụ. Nó sẽ được cảm nhận thấu đáo hơn nếu mỗi bước ta đi là một bước mang tính nhân ái.
Xã hội mà yêu ta thì ta không thể nào thất bại, vì xã hội sẽ tăng cơ hội, dẫn dắt và hỗ trợ, ủng hộ tinh thần, san bằng chướng ngại cho ta đi.
Thành công sẽ tới khi xã hội chấp nhận con người của ta. Và nếu muốn xã hội yêu ta thì ta hãy yêu xã hội thật chân tình và nồng nàn, mỗi phút, mỗi giây. Chọn hướng đi, chọn môn học, chọn nghề nghiệp... thì cứ chọn. Nhưng chọn gì rồi cũng thành công, đi đâu rồi cũng tới đích nếu bạn gieo sự tốt lành trên con đường, tạo sự hòa thuận, mang bàn tay và trí não của mình để không ngừng xây dựng. Thế giới sẽ có đủ chỗ cho mỗi cá nhân thiện chí và nhân ái.
Chỉ có điều, chớ bao giờ để cho cơ hội trôi đi, bạn nhé.
Vì như thế nguy hiểm lắm, bởi nó sẽ biến cuộc đời của bạn thành một chuỗi luyến tiếc, không cho phép mình thể hiện được giá trị thật của bản thân. Chết đi mà vẫn chưa biết mình là ai thì thực sự quá thảm thương.
Biên tập: Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang + Newsletter Specialist Thanh Ngà
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: