Tản mạn về những ám ảnh không đáng có của tuổi tác
Tuổi già không bao giờ bắt đầu khi mình thực sự sống.
Tên sách: Một đời như kẻ tìm đường - GS. Phan Văn Trường
Nội dung: Chương 15: Tản mạn về những ám ảnh không đáng có của tuổi tác
Youth is the gift of nature, but age is a work of art.
Tuổi trẻ là món quà của tạo hóa, nhưng tuổi tác mới thực sự là tuyệt phẩm.- STANISLAW JERZY LEC
Tôi thường sống giữa nhiều nơi trên địa cầu, và một trong những điều làm tôi ngạc nhiên nhất là nhận thức về tuổi tác rất khác giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa.
Thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng, tuổi thọ trung bình của con người cũng tăng rất nhanh, tuy không đồng đều mọi nơi, nhưng hình như chúng ta vẫn cứ khư khư trung thành với những ý niệm xưa về tuổi tác, không chịu đổi những thói quen mà chúng ta cho là phù hợp với một tuổi nào đó cố định. Chúng ta vẫn bồn chồn vội vã trong cuộc sống, y như mỗi người không còn nhiều thời gian trước mặt.
Hình như chúng ta quên mất rằng mình ngày nay được hưởng một quỹ thời gian sống bình quân 80 năm, tức gấp đôi tuổi thọ của Blaise Pascal – một nhà bác học, toán học, triết gia, một nhà văn nổi tiếng hoàn vũ vào thế kỷ XVII. Blaise Pascal, với vỏn vẹn 39 năm cuộc đời, nếu trừ đi 24 năm tuổi trẻ thì chỉ còn lại 15 năm ngắn ngủi, đã làm cho khoa học, triết học thế giới tiến hơn lên một bước dài.
80 năm là gấp đôi tuổi thọ của Frederic Chopin, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất hoàn vũ vào thế kỷ XIX. Chỉ cần 39 năm ngắn ngủi, ông đã có đủ thời gian để lại cho chúng ta vô số tác phẩm bất diệt.
80 năm cũng nhiều hơn tuổi thọ của Steve Jobs 24 năm, tức hai giáp, một vĩ nhân của thế kỷ XX và XXI, một người đã biến đổi hoàn toàn thế giới của chúng ta. Ông chỉ cần sống 56 năm trên đời để tạo ra cả một thế giới ảo và thật cho tất cả chúng ta. Những công trình của ông thật vĩ đại. Thử tưởng tượng ông còn được hưởng thêm 2 giáp nữa để nghiên cứu và phát triển, không biết thế giới còn thấy xuất hiện những thứ gì kỳ khôi nữa từ ông!
Những vĩ nhân nói trên đều được biết đến như những người không theo nhịp sống vội vã, hấp tấp. Đây có phải một bí ẩn chăng, hay chỉ là những chuyện dĩ nhiên, đáng lẽ phải giúp chúng ta hiểu và sống ôn tồn hơn, nhịp nhàng với thời gian hơn?

Nếu quan sát các dân tộc trên thế giới, có thể thấy rất nhiều dân tộc tiến bộ rất nhanh, tuy người dân lại cho ta cái cảm tưởng họ luôn luôn lững thững, tà tà trong nhịp sống. Dân tộc Thụy Sĩ hoặc Mã Lai chẳng hạn. Hai dân tộc này sống rất đúng đinh, chẳng hề vội vã. Không biết sao họ lại tiến nhanh như thế? Thiết tường chúng ta cần tìm hiểu tại sao, vì biết đâu, chúng ta lại tìm ra những bí quyết nào đã từng cho phép họ đi rất nhanh tuy vẫn bước rất chậm.
Không phải ai cũng cảm nhận thời gian giống chúng ta đâu!
Hấp tấp vô cớ
Các bạn trẻ Việt thì vội vàng, thời gian không phải của họ nên chẳng bao giờ họ nắm vững yếu tố thời gian. Họ sống giữa sự tà tà câu giờ và những sự đột xuất, cả hai thứ lẫn lộn với nhau. Đang tà tà thì đột xuất. Đột xuất xong lại câu giờ. Không một ai trong xã hội của Việt Nam mình quản lý nổi, hình như chuyện đột xuất đã nằm im trong ADN của chúng ta.
Tôi đã gặp vô số bạn trẻ vội vàng, hay tạm gọi là thích sớm sủa. Trên mặt nghề nghiệp, vô số tủi thân khi chưa làm trưởng phòng năm 28 tuổi, vô số than là mình quá chậm khi chưa là CEO năm 35 tuổi.
Tôi nghĩ đến Dũng, con của một người hàng xóm mới 22 tuổi mà đã thấp thỏm tranh thủ lên phó phòng. Tôi nghĩ đến Tuấn. Vợ chồng Tuấn ở gần nhà tôi, Tuấn năm nay 33 tuổi thường bất mãn vì công sở không quan tâm đến anh. Còn vô số những Dũng khác, những Tuấn khác khắc khoải thấy đời mình không chút động tĩnh gì trong khi thời gian cứ lướt bay quá nhanh.
Song song với đó, họ bị gia đình hối thúc, giục lập gia đình, giục đi học, giục về nhà, giục ăn, giục ngủ, giục dậy sớm, bao nhiêu chuyện cần phải giục nhưng không có lý do thực. Đến cả khi đi chơi đơn thuần thôi mà rồi cũng phải giục nhau dậy sớm tinh sương, giục nhau ăn sáng, rồi giục nhau lên đường.
Nhưng rút cục, mỗi chúng ta không đi nhanh hơn những người Ở xứ khác, thậm chí hầu như mọi người đi đâu cũng tới muộn, trăm người như một! Một trong những dân tộc đủng đỉnh nhất hoàn vũ là Thụy Sĩ. Họ chậm chạp, khoan thai, tà tà, đi chậm rãi, làm việc chậm rãi, ăn uống chậm rãi, nhưng rồi họ cũng chẳng tới muộn hơn ai. Người Canada cũng thế, người Pháp cũng chẳng khác chi.
Phải chăng chuyện hấp tấp, vội vã là một bản tính, chứ không phải một đòi hỏi thực của cuộc sống?
Tôi đã lầm
Ham làm để ham tiến tới là một ước mong chính đáng! Và nếu tới đích sớm lại càng đáng quý, chẳng có gì phải mặc cảm. Tuy nhiên, tôi mong các bạn đừng lặp lại những lỗi lầm của chính tôi.
Suốt nhiều năm tôi đã chiến đấu để lên vị trí trong công sở, lên lương, thêm quyền, nhưng rồi tôi đã không thực sự quan tâm đến hạnh phúc cũng như những thú vui đơn giản của cuộc sống. Có lẽ tôi đã phí phạm một số năm trong dĩ vãng của tôi cho những chuyện hoàn toàn vô ích. Tôi đã chọn sai ưu tiên, một trăm thứ đáng lẽ phải được xem là quan trọng hơn nghề nghiệp.
Ngày hôm nay, tôi phải nhìn nhận mình có rất ít kỷ niệm về những buổi êm đềm cùng cha mẹ, anh em, vợ con vào những năm tôi đấu tranh nhiều nhất. Tất cả cho nghề nghiệp, tôi chỉ có ý nghĩ đó trong đầu vào thời kỳ đó!
Tôi đã tự tạo ra một số mốc thời gian giống như những mục tiêu phải đạt, nhất là sau khi tôi được nghe một lời khuyên của anh Humbert, một nhà tư vấn săn đầu người (head hunter). Anh Humbert nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: “Tuổi và chức vị phải đi với nhau thì mình mới không già. Nếu anh 40 tuổi mà chưa làm giám đốc thì anh già, nhưng nếu anh 55 tuổi mà đã làm Tổng thống thì anh còn trẻ!”.
Từ đó, tôi đã nghe anh Humbert và đâm ra lo sợ cho bản thân. Sợ rằng 30 không lên Giám đốc, 45 không lên Tổng giám đốc, 50 không làm Chủ tịch. Và đến khi làm Chủ tịch thật của một mớ công ty trong một tập đoàn năm 52 tuổi, tôi mới vỡ lẽ ra là suốt hai chục năm qua, mình đã bỏ quên quá nhiều thứ trong cuộc rượt đuổi mình tự tạo.
Lời nói của anh Humbert rút cục chi là một thứ thuốc độc làm cho con người phấn khởi với hư vô và thờ ơ với đời sống thật.
Ngồi nghĩ lại mà hối hận!
Nhưng rồi khi nhìn ra ngoài thế giới thì mình không khỏi ngạc nhiên thấy có người 90 tuổi mới đi học, có cụ ông 99 tuổi mới làm lễ cưới để lấy một cụ bà 95, có những ông bạn ở tuổi 55 thì sạt nghiệp mà đến 72 lại trở thành tỷ phú. Và nhất là rất động doanh nhân giàu có lại không chịu về hưu cho dù đã quá tuổi 80, như ông Warren Buffett chẳng hạn.
Thấy người ta sống không đếm tuổi tác, không nghĩ tới thời gian đi qua, chi tập trung vào đời sống thật... mà đâm thèm.
Sự trẻ trung thì không có tuổi.
- PICASSO
Tuổi già không bao giờ bắt đầu khi mình thực sự sống
Một trong những thông điệp tôi muốn gửi cho các bạn kém tuổi tôi là hãy chớ bao giờ nghĩ mình già, và càng lầm lẫn hơn nếu nghĩ rằng sự nằm ỳ, ngủ kỹ, sống nhàn hạ là một phương pháp kéo dài cuộc sống.
Nếu cuộc sống dài ra thật chăng nữa thì cũng chỉ là những chuỗi ngày lê thê. Kỳ tình, những nghiên cứu về tuổi thọ còn khẳng định rằng cơ thể con người sẽ rã sớm nếu thiếu hoạt động, thành thử không thể lầm nếu chúng ta năng động hơn.
Các bạn cũng chớ bao giờ đặt mốc tuổi với những giai đoạn. Vô số người mang ý tưởng đặt mốc 60 là tuổi hưu, mà tuổi hưu đối với họ là không làm gì hết, không tham gia vào việc gì hết, và cũng không để tâm vào xã hội nữa. Nếu vậy thì tuổi sống thực của họ chi là 60, cho dù có sống tới 80 chăng nữa.
Cảm nhận đắt giá nhất của tôi là càng cao tuổi, tất cả những việc mình làm càng có chất lượng, càng gọn và nhanh. Ở tuổi đó, óc vẫn còn bén nhạy, hai bàn tay đã tập trung và thu gọn mọi kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm để thành công. Do đó, chính vào tuổi già mà mình càng phải tận hưởng cái quy chế ưu đãi đó.
Tuổi già mới là tuổi cho phép con người tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu. Càng có tuổi và kinh nghiệm, ta càng phải sản xuất nhiều, chế tạo nhiều, đóng góp nhiều vì lý do đó! Những sản phẩm của ta, vào tuổi đó, mang những sắc thái không thể có được nếu ta chế nó ra 10 hay 20 năm trước.
Hơn nữa, khi ta xông vào việc, việc sẽ làm cho thời gian ngừng trôi, những tế bào của ta được động viên, được giữ nóng, và chất xám được đo vật, thách thức, vấn chát, mắt sẽ giữ thần và thân sẽ giữ lực. Tuổi tác vào đúng lúc đó sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Điểm này cần được nhắc đi nhắc lại, để mỗi chúng ta không bao giờ quên rằng cơ thể không có tuổi, và sự lựa chọn không bao giờ hẹp đi, mà chỉ rộng ra khi tuổi chồng chất lên.
Với thời gian qua, tôi từng ngạc nhiên khi tự mình khám phá ra rằng năm 30 tuổi, tôi thấy khi mới 20 mình chưa biết gì. Khi sang tuổi 50, tôi lại thấy khi 30, 40 mình chưa hiểu gì! Và phát hoảng khi đến tuổi 60 rồi, mình vẫn còn những ảo tưởng, vẫn mơ tới những trải nghiệm chưa có, những chuyến phiêu lưu chưa thực hiện.
Đến năm 70 tuổi mới vỡ lẽ rằng trí óc của mình vẫn vô cùng mạnh mẽ, hơn thời 60 tuổi nhiều, tuy sức lực có suy. Thật đáng tiếc nếu mình không tận dụng cái kho tàng chất xám trời cho, một thứ chất xám đã được động viên, thử thách, bổ sung qua bao nhiêu biến cố.
Rút cục, tôi mới khám phá ra rằng lý tưởng là có thân thể của người 30 và trí tuệ của người 70. Tôi chưa đoán ra được tuổi 80 sẽ còn coi “thằng” 70 như con nít hay không, nhưng tôi tin chắc rằng vào tuổi đó, cách hiểu cuộc đời sẽ còn thâm thúy đậm đà hơn nhiều!
Bằng chứng là mãi đến năm 65 tuổi, tôi mới hiểu quá muộn bí quyết của sức khỏe. Thật quá đơn giản! Chẳng phải chạy mỗi ngày 5 km, hoặc cử tạ mỗi buổi sáng. Chẳng phải uống thêm vài viên vitamin hay một loại thực đơn nào.
Hãy cứ ăn đủ mọi loại thức ăn, không cần tự cấm, nhưng chỉ mỗi thứ một ít. Hãy đi bộ tới sở nếu không quá xa. Hãy đi ngủ ngay khi cảm thấy buồn ngủ. Hãy quên việc sở khi về nhà, và tránh làm cái gì nhiều quá. Và hãy xem may rủi trong cuộc đời là chuyện bình thường.
Rồi đầu sẽ có đó, trời sinh voi sinh cỏ. Tóm lại, hãy bình dị hóa cuộc sống, chỉ có thế!
Hãy đừng quan tâm lương cao thấp, vì lương nào cũng đủ sống. Hãy tránh giày vò chính mình và gia đình vì những chuyện vớ vẩn, nhất là những bài toán không có giải pháp. Hãy tránh can thiệp vào chuyện của người khác, vì mỗi người có nghiệp chướng khác nhau, bạn chẳng thay đổi được gì cho họ cũng như họ sẽ chẳng mang lại được cái gì cho bạn. Ngay cả với chính những đứa con của mình cũng thế!
Nếu bạn làm được tất cả những thứ đó, mà tâm trạng không vội vàng, không mang stress, thì bạn yên tâm, tôi cam kết rằng bạn sẽ sống hơn 100 tuổi.
Sống thế có gọi là ích kỷ không? Bạn ạ, đó mới chính là nghệ thuật sống để khỏe mạnh và hạnh phúc.
Biên tập: Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang + Newsletter Specialist Thanh Ngà
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm:
"Tuổi già mới là tuổi cho phép con người tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu. Càng có tuổi và kinh nghiệm, ta càng phải sản xuất nhiều, chế tạo nhiều, đóng góp nhiều vì lý do đó! Những sản phẩm của ta, vào tuổi đó, mang những sắc thái không thể có được nếu ta chế nó ra 10 hay 20 năm trước." Câu nói này của thầy đã giúp em phá bỏ định kiến của bản thân về tuổi tác trong công việc, cảm ơn chia sẻ của thầy rất nhiều ạ