Cột trụ đồng đội và Nghệ thuật lãnh đạo từ tâm
Làm lãnh đạo không chỉ là dẫn dắt, mà còn là nghệ thuật phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng bị bỏ sót.
Tên sách: Một đời quản trị
Nội dung: Việt Hải
“Nhân sự giống như khoáng sản, thường phải đào thật sâu mới phát hiện ra. Phải bỏ công tìm kiếm chứ họ không quanh quẩn săn bên cạnh đâu”.
Và khi những người bình thường, hay tài năng bị bỏ xó được tin yêu, lắng nghe, tin tưởng, ủy quyền ghi nhận kịp thời từ người lãnh đạo, họ sẽ trở thành những nhân viên, đồng đội, trụ cột vô cùng tuyệt vời của tổ chức để rồi sau đó trở thành những nhà lãnh đạo kế nghiệp. Đấy chẳng phải công việc của những lãnh đạo có tâm và có tầm đấy sao?!
Cấy Nền Radio xin mến gửi đến quý thính giả thông điệp này từ sách “Một đời quản trị” của Giáo sư Phan Văn Trường, mong được cùng học để chúng ta cùng tạo giá trị cho tập thể của chúng ta, mỗi ngày!
Ấn tượng đầu tiên với “Một đời quản trị”
Lần đầu tiên mình biết đến sách “Một đời quản trị” của GS Phan Văn Trường năm 2019, trong một buổi giới thiệu sách cho cấp quản lý của công ty. Cuốn sách khá nhiều trang (khoảng 470 trang) đối với một người không chuyên đọc sách như mình. Thế mà có điều gì đó đã rất cuốn hút khiến mình đọc hết vèo liền mạch trong khoảng thời gian kỷ lục của bản thân.
Thú thực, mình đã đọc một vài cuốn sách dành cho quản lý, lãnh đạo nhưng có điều gì đó chưa thực sự chạm. “Một đời quản trị” đến như một tia sáng mới mẻ cho một người vốn chỉ làm chuyên môn trong ngành công nghệ thông tin và đang chập chững trong vai trò quản lý cấp trung ở công ty. Có lẽ chính vì sự đơn giản mộc mạc khi Thầy chia sẻ lại những trải nghiệm thực nên rất gần gũi và dễ hiểu chăng? Mình nghĩ vậy.
Niềm cảm hứng từ Giáo sư Phan Văn Trường
Mình cũng đã rất thích thú với văn hóa “nice và professional”, hay cách Thầy diễn giải để phân biệt quản trị và quản lý, rồi những bệnh phổ biến ở doanh nghiệp và tư duy trở thành số một làm tốt nhất có thể.
Thực sự, cuốn sách đã đơn giản hóa những những băn khoăn của mình trong vai trò quản lý, khác hẳn so với những cuốn sách mình từng đọc - với khá nhiều mô hình, cách thức công cụ khá là khó tiếp cận, cảm giác đọc rồi đôi khi bị băn khoăn hơn.
Đặc biệt hơn, chúng mình đã được gặp trực tiếp Giáo Sư Phan Văn Trường khi thầy đến thăm và chia sẻ với công ty. Mọi người đều thích thú với thông tin về một người Việt Nam từng lãnh đạo tập đoàn điện lực của Pháp Alsthom Power, đưa tập đoàn từ tình thế gay go, rối ren lên vị trí số 1 thế giới và đảm nhận rất nhiều vị trí lãnh đạo khác. Nhớ lại buổi gặp Thầy, cảm giác lúc đấy như có một nguồn năng lượng vô hình giúp bản thân mình tự tin hơn.
Thay đổi tư duy trong công việc
Với đặc thù công việc, đôi khi có những đối tác nước ngoài cùng hợp tác để cung cấp giải pháp về công nghệ thông tin, trước đó mình thường có tâm lý mặc nhiên, đôi lần còn hơi “cung phụng” các bạn. Nhưng sau khi đọc sách Một đời quản trị và được gặp Thầy, mình đã có thái độ bình đẳng hơn trong những quan hệ này. Điều này dường như đã tiếp thêm năng lượng cho bản thân và cả nhóm làm việc của công ty mình trong dự án tiếp theo với các đối tác từ Mỹ, Singapore, Ấn Độ...
Nhóm tụi mình đã chủ động hơn và dần tự tin hơn hẳn, để cuối cùng đã được chính khách hàng thừa nhận về chuyên môn mà có nhiều phần mà các bạn nước ngoài sẽ khó phù hợp để làm được. Ngay cả các bạn nước ngoài ban đầu hợp tác với thái độ ngờ vực, cũng đã phải cảm ơn và thay đổi thái độ tôn trọng hơn rất nhiều khi dự án kết thúc. Thật là vui nhỉ. Và sau đấy tụi thì cứ thế phát huy tình thần này thôi. Không phải là có gì quá đặc biệt cả. Có lẽ chỉ là nhờ thái độ luôn cố gắng hiểu, tôn trọng mọi người và chính mình hơn đã giúp chúng mình tự tin và mang đến kết quả công việc tốt hơn.
Mình nghĩ, việc chứng kiến một người Việt đã thực sự lãnh đạo mấy chục nghìn nhân viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, lấy đạo đức và lương tri làm định hướng, cùng những câu chuyện kể qua cuốn sách “Một đời quản trị” đã giúp tụi mình có cách nhìn khác.
Giới thiệu chương 9 – Cột trụ trong những đội của tôi
Vừa rồi là đôi chút cảm nhận cá nhân trước khi mình giới thiệu với các bạn về “Chương 9 - Cột trụ trong những đội của tôi”.
Ở chương này, Thầy mở đầu bằng câu trích dẫn của Kevin P. Ryan:
“Muốn đạt hiệu năng cao thì cách tốt nhất là lập một đội thật tốt”.
Có lẽ không phải bàn cãi về việc Thầy đã tạo ra những đội thật tốt khi nhìn vào thành công của Alsthom Power lúc đó. Năm 1986, khi Thầy tiếp quản vị trí Deputy CEO (Phó Tổng Giám đốc), tình hình công ty rất bi đát. Nhân viên khoảng 25 nghìn người trên toàn cầu có dấu hiệu mất lòng tin khi công ty đang mất dần ảnh hưởng trên thế giới, và CEO đã phải thay đổi hai lần trong thời gian ngắn. Cả CEO mới và Thầy - Deputy CEO đều không được ưa và còn quá mới trong ngành điện lực.
Tinh thần đội quân cảm tử
Vậy điều thần kì gì đã xảy ra giúp Alsthom Power hồi phục và đạt được vị trí số một thế giới? Theo Thầy chia sẻ, một đội quân cảm tử với những kỹ sư bị loại, cùng tinh thần đồng đội và sự tương tác với nhau là chìa khóa của sức mạnh vô ngàn. Trong đội cảm tử, không ai nghĩ đến bản thân mà chỉ dốc lòng tin vào đội, giống như dây leo Hy Mã Lạp Sơn. Nhìn thấy “ bức tranh lớn” và luôn xem “cuộc chiến là cuộc chơi”.
Chính đội quân này, với ba trong bốn nhân vật (Anh Philippe, anh Julien và anh Jean) được nhắc tới trong chương này, đã giúp Alsthom Power dành được dự án EPON - một dự án được mô tả là “chiến trận của thế kỷ”, với quy mô lớn nhất thế giới 9x1000 MW (mega oat), giá trị 5 tỷ USD (năm 1990). Nhà máy được đặt tại ngay biên giới Đức và Hà Lan, được ký nháy bởi một công ty tổng thầu Siemens của Đức và Công Ty Điện Lực EPON, trong bối cảnh chưa bao giờ nước Đức để cho công ty nước ngoài xây nhà máy điện trên lãnh thổ.
Ba nhân vật trụ cột - Nghệ thuật chọn đúng người, đúng việc, đúng thời điểm
Thầy kết luận về ba nhân vật như một chữ “duyên” như sau:
“…Và có lẽ nếu không gặp nhau thì chẳng có chuyện gì vĩ đại xảy ra cả. Âu cũng là cái duyên, nhưng đây là cái duyên có đấng ở trên sắp đặt: khi một chiến lược gia xuất sắc (anh Jean Croissant) hợp tác với một bộ máy phân tích tinh vi (anh Philippe Delaboudinière) và một mũi nhọn hành quân (anh Julien Anspach) thì mới nên chuyện. Với tất cả lòng khiêm tốn tôi nhìn nhận rằng tuy mình quả thực là sếp của họ, nhưng họ lại là bậc thầy của tôi!”.
Và từ góc độ một quản trị, mình cảm nhận ở chương này nhấn mạnh về nghệ thuật chọn đúng người, đúng việc, và cả đúng thời điểm nữa. Ba nhân vật trên đều vô cùng cá tính và đặc biệt. Họ từng là những người khiến Thầy nghi ngại hoặc có chút “nghênh” với Thầy từ những ngày đầu, nhưng đã trở thành đồng đội, những trụ cột tuyệt vời của tập đoàn.
Philippe – “Hột kim cương sáng” được mài dũa
Như chính anh Philippe từng thừa nhận sau khi Thầy được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Alsthom:
“Tôi có nhiều khuyết điểm, tối biết không ai ưa tôi cả, tôi chỉ mong có một người ưa tôi chính là anh! Tôi không phải thề thốt gì nhưng chính anh sẽ nghiệm nhanh chóng về tôi, là người tuyệt đối phục thiện và trung thành”.
Chính chủ tịch tập đoàn cũng đã phải thừa nhận anh Anh Phillipe là “hột kim cương sáng” và giao cho Thầy gọt giũa. Một trong những tố chất lãnh đạo được thể hiện trong chương này là việc ghi nhận thành quả đóng góp xứng đáng và kịp thời của nhân viên. Thầy đã đề xuất anh Phillipe vào vị trí Giám Đốc Marketing cả tập đoàn sau khi anh đã có những đóng góp rõ ràng. Chính sự công nhận này đã làm anh cảm kích và trở thành một trụ cột chính trong đội của Thầy và cả tập đoàn sau đó.
Julien – Tinh thần kiên cường và ý chí mạnh mẽ
Anh Julien, với một cá tính hoàn toàn khác, đã phát huy động lực ghê gớm, đóng góp rất lớn cho đội và tập đoàn khi được tin tưởng. Anh Julien vốn có một nửa thân thể bằng nhựa do gặp một tai nạn hồi bé. Và chính anh cũng đã tâm sự rằng không ai thật sự tin vào anh vì lí do này. Nhưng một lần nữa, việc tin tưởng, giao đúng việc, ghi nhận và bổ nhiệm anh Julien làm Giám Đốc dự án trong dự án Epon vĩ đại của Thầy đã phát huy sức mạnh. Julien đã phát huy tuyệt đối năng lực của mình nhờ sự khéo léo, dai dẳng và thành thạo tiếng Hà Lan. Kê quả là Alsthom đã chiến thắng như chúng ta đã biết.
Jean – Nhà chiến lược bị đánh giá thấp
Nhân vật còn lại được nhắc tới trong đội quân cảm tử là anh Jean Croissant, một chiến lược gia kỳ tài. Anh được mô tả như sau, khi Thầy đề xuất tăng lương cho anh Jean về những dự đoán chính xác của anh với Chủ Tịch tập đoàn Alsthom:
“ …Và xin ngài cho phép tăng lương cho “thằng cha” nổi tiếng đi làm để đọc báo, tới muộn về sớm, không bao giờ có một tờ giấy trên bàn làm việc, cho dù chỉ là giấy trắng.”
“Thằng cha” đó chính là anh Jean - một người từng bị cô lập hóa, không được sử dụng trước đó vì có vẻ lười và hay thích đoán mò - lại trở thành chiến lược gia, nhà chiêm tinh gia trong đội quân cảm tử với rất nhiều đóng góp to lớn cho sự trở lại số 1 thế giới của tập đoàn. Chính anh cũng đã thừa nhận, vì được sự yêu thương tín nhiệm hơn từ Sếp của mình – Thầy Phan Văn Trường, nên anh đã luôn làm việc kỹ lưỡng hơn, sát sao hơn phía sau những dự đoán chứ không như những gì người ta nhìn thấy từ vẻ bề ngoài của anh.
Durai – Câu chuyện về sự vượt lên định kiến
Ngoài ba trụ cột đã giúp Thầy và tập đoàn Alsthom giành được những thắng lợi to lớn, nhân vật thứ tư được nhắc đến là anh Durai Chinnadurai, một người Ấn tay trắng lập nghiệp xuất sắc. Khác với ba nhân vật ở trên, anh Durai không đến từ tập đoàn Alsthom mà ở tập đoàn Suez, một tập đoàn nhỏ có tổng hành dinh đặt tại Kuala Lumpur, Malaysia - nơi Thầy được bổ nhiệm làm Chủ Tịch Tổng Giám Đốc chủ trì 12 công ty nước lọc từ sông năm 1998. Thầy chia sẻ đây là một nghề không quen thuộc và mới hoàn toàn.
Có vài bài học mình nhận thấy từ câu chuyện của anh Durai:
Dưới góc độ quản trị, một lần nữa Thầy đã tìm đúng người để tìm hiểu thông tin, cho họ lòng tin và ủy quyền. Trong bối cảnh rất nhiều kỹ sư người Pháp có thái độ khó bảo, khó lấy thông tin, điều này đã giúp rất nhiều cho Thầy - một Chủ tịch CEO - thực sự nắm được thông tin về ngành, về vị trí công việc còn mới mẻ và nhanh chóng kiểm soát công ty. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho việc mài dũa và phát huy động lực, tài năng của những con người bình thường để họ trở nên phi thường.
Từ góc độ của một nhân viên kế toán bình thường, anh Durai có phần mặc cảm vì thuộc nhóm người Ấn da ngăm đen, thường bị xem thường như Thầy mô tả trong bối cảnh xã hội Malaysia lúc bấy giờ. Nhưng chính từ đó, anh Durai không nề hà, sẵn sàng làm mọi việc cần thiết cho công ty chứ không chỉ trong phạm vi công việc của mình. Anh luôn giữ thái độ khiêm tốn, nhẹ nhàng, hiểu chuyện cần thiết và khi gặp được lãnh đạo có tâm là Thầy, anh đã chứng tỏ khả năng vượt ngoài phạm vi kế toán rất nhiều và cuối cùng là vị trí CEO thay thế chính lãnh đạo của mình.
Lời kết – Giá trị của nhân sự trong tổ chức
Đến đây, mình xin kết lại bằng chính lời mở đầu của Thầy cho chương 9 “Cột trụ trong những đội của tôi”: “Nhân sự giống như khoáng sản, thường phải đào thật sâu mới phát hiện ra. Phải bỏ công tìm kiếm chứ họ không quanh quẩn săn bên cạnh đâu”.
Và khi những người bình thường, hay tài năng bị bỏ sót được tin yêu, lắng nghe, tin tưởng, ủy quyền, ghi nhận kịp thời từ người lãnh đạo, họ sẽ trở thành những nhân viên, đồng đội, trụ cột vô cùng tuyệt vời của tổ chức, để rồi sau đó trở thành những nhà lãnh đạo kế nghiệp. Đấy chẳng phải công việc của những lãnh đạo có tâm và có tầm hay sao?
Cấy Nền Radio xin mến gửi đến quý thính giả thông điệp này, mong được cùng học để chúng ta cùng tạo giá trị cho tập thể của chúng ta, mỗi ngày!
Mến chào các bạn!
Biên tập: Ban biên tập chuyên mục Cảm nhận sách hay (Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang + Newsletter Specialist Thanh Ngà)
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: