Một đời quản trị - Ở đây ai là Sếp?
Một câu hỏi đơn giản mở ra cả một hành trình quản trị đầy suy ngẫm.
Tên sách: Một đời quản trị
Nội dung: Hải Anh - Thu Lài
“Leadership is not about titles, positions, or flowcharts. It is about one life influencing another”.
“Làm lãnh đạo không phải là tìm chức tước, mua vị trí hay tung hô những biểu đồ tiến trình, mà là tạo ảnh hưởng lên người khác”.
Hai câu trích dẫn trên trong cuốn “Một đời quản trị” của Thầy Phan Văn Trường đã tóm gọn lại cả cuộc đời quản trị của Thầy: lấy thước đo để quản lý và dùng lương tri để quản trị.
Tại chương 4, Thầy đã thẳng thắn nêu ra những ví dụ về sự nhầm lẫn và bất cập giữa quản lý và quản trị, dẫn tới những giải pháp chắp vá mang tính hình thức, hao tổn chi phí. Thậm chí nghiêm trọng hơn là những xung đột nội bộ, gây ra sự mất động lực cho nhân viên trong công ty, bởi yếu tố cốt lõi là họ không tìm thấy niềm vui trong công việc, mất lòng tin vào lãnh đạo và có những tư tưởng cực đoan.
Những lỗi quản trị phổ biến trong doanh nghiệp
Theo Thầy Phan Văn Trường, trường hợp lãnh đạo áp dụng những giải pháp quản lý như tổ chức đi chơi team building cho toàn thể nhân viên trong công ty để gắn kết lại các hệ thống trục trặc, hay kiểm soát chặt chẽ những nhân viên làm việc riêng trong giờ, ra vào không đúng thời gian quy định, là điều phổ biến và thường thấy trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, không nhiều lãnh đạo chịu nhìn nhận bản thân hay ý thức rằng chính mình đã phạm lỗi quản trị.
Lỗi quản trị xuất phát từ thiếu lương tri
Lỗi quản trị, theo như Giáo sư Phan Văn Trường đề cập, một lần nữa chính là do thiếu lương tri, khi nhà quản trị chưa hành động xuất phát từ tình thương nhân viên, sự bình đẳng và tôn trọng. Đây là những nền tảng cốt lõi để, trong suốt một đời quản trị của mình, thầy đã không ngừng tạo ra giá trị, đóng góp cho tập thể và xã hội.
Văn hóa doanh nghiệp nice and professional
Thầy luôn theo đuổi và truyền cảm hứng về văn hóa doanh nghiệp nice and professional, đồng thời tạo sức ảnh hưởng, khai phá và tạo nên những nhân viên, những con người từ bình thường, thậm chí là bị ghen ghét và lãng quên, trở nên phi thường. Có những hiền tài bị “cất” vào tủ dưới những công ty hay mô hình doanh nghiệp mắc phải nhiều vấn đề của sự quan liêu, thiếu bình đẳng và bộ máy cồng kềnh. Tuy nhiên, bằng trái tim nghề nghiệp của mình, thầy đã giúp họ trở thành những con người có đóng góp quan trọng cho sự thành công của cả tập thể, trở thành người lãnh đạo mang lại Lợi ích tối đa.
Những “căn bệnh“ phổ biến trong doanh nghiệp
Trong cuộc đời quản trị của mình, ở nhiều thời điểm Giáo sư Phan Văn Trường phải trải qua những lần ganh đua, đố kỵ trong nội bộ, cùng những hạn chế trong chính sách quản lý của doanh nghiệp vốn thường thiếu đi khoảng trống và sự phóng khoáng cần thiết.
Hệ quả là nhiều ý tưởng sáng tạo của những nhân tài không phát huy được mỗi khi gặp khó khăn hay trở ngại, mặc dù họ được chiêu mộ về công ty với một mức lương rất cao, và sau đó doanh nghiệp cũng buộc phải cũng phải chia tay với với những nhân tài này.
Lý do chính dẫn đến sự thất bại trong việc chiêu mộ và sử dụng nhân tài tại các doanh nghiệp, theo Giáo sư Phan Văn Trường, xuất phát từ những bệnh thường thấy trong doanh nghiệp xuất phát từ lỗi quản trị.
Một là bệnh thiếu động lực và làm không xong việc.
Xuất phát từ tinh thần làm việc cho xong, dù được coi là hai căn bệnh “hiền” nhất trong doanh nghiệp, nhưng chúng để lại hậu quả nghiêm trọng. Tinh thần làm việc chỉ để cho xong mà không có động lực thật sự dễ dẫn đến những lỗ hổng trong các quy trình làm việc, gây ảnh hưởng tới cả một hệ thống vận hành.
Hai là sự rối ren, thiếu truyền thông và thông tin trong công ty.
Những vấn đề này chủ yếu xuất phát do ba nguyên nhân chính: sự cố bất ngờ, tin đồn thất thiệt nhưng dễ tin, và sự thiếu trung thực trong khâu truyền thông. Dù vô tình hay cố ý, điều này cũng có thể khiến những nhân viên cấp dưới không tin tưởng vào lãnh đạo và công ty. Nguy hiểm hơn là những nhân tài mới được chiêu mộ dễ rơi vào tâm lý hoang mang, bất ổn với nơi làm việc mới.
Ba là phân chia bè phái, cố ý rò rỉ những chuyện đời tư cá nhân trong doanh nghiệp.
Các vấn đề này vô cùng nghiêm trọng, gây mất đoàn kết trong doanh nghiệp và phá hỏng văn hóa nice and professional trong doanh nghiệp. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân mà còn gây mất đoàn kết, làm suy giảm tinh thần hợp tác trong tổ chức.
Bốn là tham nhũng, dọa nạt và bạo lực ngầm.
Đây là căn bệnh nghiêm trọng nhất, ngăn cản nhân tài phát huy hết khả năng và sức sáng tạo của mình. Những hành vi phá hoại công việc đồng đội không chỉ làm giảm hiệu quả hoạt động mà còn khiến những cá nhân tài năng rời bỏ doanh nghiệp.
Năm là tính đùn đẩy, bất tuân và vô trách nhiệm với tập thể.
Trong một công ty, khi mỗi cá nhân có tính đùn đẩy trách nhiệm, sự vô trách nhiệm sẽ lan truyền từ một người sang nhiều người, ảnh hưởng tới toàn bộ nhóm hoặc bộ phận. Văn hóa tiêu cực này không chỉ gây trì trệ, làm giảm tính chuyên nghiệp mà còn khiến những hạt giống tài giỏi mới gia nhập vào công ty cảm thấy thiếu động lực, dần dần mất đi niềm tin và ý chí cống hiến.
Theo Thầy, bệnh trong doanh nghiệp có rất nhiều, giống như bệnh của con người. Tuy nhiên, nếu bệnh của con người thường xuất phát từ vô số loại virus, thậm chí virus còn biến đổi theo thời gian, thì bệnh trong doanh nghiệp lại khác. Nguồn gốc chủ yếu của nó đến từ tâm lý và từ tham – sân – si.
“Bác sĩ nhân sự” - Chìa khóa tạo động lực và sức khỏe cho doanh nghiệp
Để có được một doanh nghiệp tráng kiện, rất cần một “bác sĩ nhân sự” có tài và hiểu tâm lý con người sâu sắc.
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào trong doanh nghiệp, vị bác sĩ nhân sự này cũng sẽ đo được động lực của mỗi nhân viên. Họ không đo bằng những dấu hiệu bên ngoài hoặc khoa học, mà họ sẽ đo bằng linh tính, bằng sự giao tiếp, bằng trải nghiệm và thậm chí, chính người “bác sĩ” ấy còn có thể đi xa hơn nữa, giúp mỗi nhân viên tìm được sức khỏe và động lực tinh thần để mang lại hạnh phúc cho chính họ, cho gia đình họ, rồi sau đó mới làm việc có hiệu quả trong không khí hồ hởi yêu đời.
Đọc đến đây, tôi cảm động vô cùng bởi lần đầu tôi được nghe về khái niệm “bác sĩ nhân sự” từ một nhà quản trị tầm cỡ quốc tế. Với Thầy, “bác sĩ nhân sự” không đơn thuần là người quản lý trong doanh nghiệp mà còn là người hiểu tâm lý, hướng dẫn và định hướng nhân viên không chỉ trong công việc, mà còn trong việc tìm kiếm, theo đuổi và duy trì hạnh phúc. Bởi lẽ, khi họ có được sự hạnh phúc cho chính mình và duy trì được cảm giác ấy một cách liên tục, họ mới có thể phát huy tinh thần hứng khởi và năng suất trong công việc.
Sếp là gì? - “Lợi ích tối đa của tập thể”
Bạn thân mến!
Dù không hiểu về chuyên ngành quản trị và không thể hiểu hết công việc của Thầy Trường trong suốt 50 năm làm quản trị, nhưng qua những mẩu chuyện ngắn về những người có tầm ảnh hưởng trong tập đoàn Alsthom Power, Thầy đã cho tôi cơ hội để cảm nhận sâu sắc hơn về nghề quản trị.
Quản trị không chỉ là việc điều hành doanh nghiệp mà là giúp cho doanh nghiệp tìm ra được những con người luôn hành động vì “lợi ích tối đa”.
Thầy Trường chính là một nhà quản trị luôn coi “lợi ích tối đa của tập thể là sếp”, và chính vì thế mà Thầy đã đem về lợi ích thật cho tập đoàn Alsthom.
Tìm ra một đội quân cảm tử với động lực vô hạn trên sức tưởng tượng và dựa trên những gì họ có, chính là tạo ra một đội quân đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp, góp phần không nhỏ vào sự thành công của cả một cộng đồng rộng lớn và vun xây giá trị cho muôn đời. Một lần nữa, yếu tố cốt lõi để thực hiện được điều đó, chính là lương tri, tính phục thiện và không đặt vật chất lên trên hết.
Chỉ khi đó, những cá nhân tài năng mới có thể tập trung vào sự sáng tạo của mình, luôn giữ được sức bền trên hành trình tạo giá trị cho chính họ và cho tập thể - nơi họ thuộc về.
Vâng, “Ở đây, ai là sếp?” - đây là câu hỏi thường trực mỗi khi Thầy tham gia tư vấn quản trị cho mọi doanh nghiệp. Và câu trả lời của Thầy luôn là: “Lợi ích tối đa của tập thể”.
Cảm ơn thầy Trường vì đã thúc giục thế hệ trẻ chúng em học thật nhiều lần bài học gốc rễ, được chắt lọc trong cuộc đời quản trị của mình, để truyền lại cho những thế hệ sau.
Cấy Nền Radio xin mến gửi đến quý thính giả thông điệp này, mong được cùng học để chúng ta cùng tạo giá trị cho tập thể của mình, mỗi ngày!
Mến chào các bạn!
Biên tập: Ban biên tập chuyên mục Cảm nhận sách hay (Visual Designer Duy Khang + Content Editor Hương Giang + Newsletter Specialist Thanh Ngà).
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: