Lá thư cho những người tươi đẹp của thế kỷ XXI
Việc lựa chọn sẽ dễ hơn, khi ta biết rõ những giá trị gốc của mình.
Tên sách: Một đời như kẻ tìm đường - GS. Phan Văn Trường
Nội dung: Chương 16: Lá thư cho những người tươi đẹp của thế kỷ XXI
Trong thư này tôi cũng muốn nhắn nhủ bạn một vài điều.
Nỗi mặc cảm về hạnh phúc
Không biết hiện tượng có tự bao giờ, nhưng mỗi đứa trẻ Việt Nam sinh ra đều mang sẵn rất nhiều mặc cảm.
Tôi xin nói ngay, không mặc cảm nào của các bạn chính đáng cả.
Phải chăng các vua chúa ngày xửa ngày xưa bắt nạt dân nhiều quá nên dân mới mang thường trực mặc cảm bị bắt nạt. Các quan bắt các nhà nho bắt nạt người không may mắn được đi học; người da trắng bắt nạt người da đen; người đi giày bắt nạt người đi dép; người đội mũ bắt nạt người đầu trần; người vai to bắt nạt người nhỏ bé; người nhiều tiền bắt nạt người nghèo mạt.
Chính vì có hệ thống bắt nạt lâu đời đó mà tại Việt Nam mới sinh ra nhiều chứng xấu. Nhiều người muốn mua cho bằng được nhà to cửa rộng để tự tạo ra một vị thế đè người. Mua siêu xe và đeo nhiều vàng trên người cũng cùng chung một tư duy.
Cứ như thế, để dần dần, qua nhiều thế kỷ, tạo ra một xã hội sống vì bề ngoài, mua chức mua quyển, khoe của, và tự nhận làm đại gia, Và chính vì thế nên càng ngày dân tộc càng sống một cách xa hoa và hời hợt. Không còn ai sống cho chính mình mà chỉ sống, cho con mắt của người khác.
Thế nên hãy tự hỏi tại sao mình không hạnh phúc thực sự - Vì mình có tự săn sóc và tự cho bao giờ đâu!
Trên cùng cương vị, nhiều người tranh thủ nói suông chỉ vì muốn làm cho thiên hạ tưởng mình bận rộn và trách nhiệm, trong khi đó họ chỉ làm việc ẩu tả, tạm bợ cho xong. Thậm chí họ không có một chút tự ái để tạo nên giá trị thật, mà ngược lại chỉ muốn chế ra một thứ hào nhoáng để cho người ngoài bị choáng, cho dù chỉ một phút ngắn ngủi.
Nhiều kẻ hùa nhau mua bằng mua chức, với bất cứ giá nào, vì nghĩ rằng những thứ đó sẽ tạo ra sự trù phú. Sai hoàn toàn bạn nhé. Nào họ có ngờ làm vậy không đem lại hạnh phúc dù nó có thể đem lại sự trù phú chăng nữa.
Từ nay, hãy sống cho chính bạn. May mắn thay, ai cũng có đủ, không nhiều thì ít. Từ nay, bạn không phải nhìn sang đĩa của người khác để tìm ra chân lý của cuộc sống.
Hãy tạo ra giá trị cho xã hội và cho chính mình, bạn sẽ được xã hội dành cho một chút cơm thơm áo đẹp, cộng với một cuộc sống thực sự thoải mái. Thời đại của sự bình đẳng là thế, thời thế của tinh thần dân chủ là vậy.
Lý do bạn không cần tranh thủ là vì trên cuộc đời này, bạn hay bất cứ ai đều chỉ cần tạo ra một, hai lần giá trị thực là đủ sống cả đời.
Khi bạn nhắc nhở mọi người rằng bạn đang tranh thủ, cũng là lúc miệng bạn rỗng tuếch, óc bạn đầy bùn, tim bạn chẳng đập, lòng bạn chẳng quan tâm. Không có nội dung thì tâm lý con người là động viên bằng hình thức... tôi đang tranh thủ, em đang tranh thủ, chị đang tranh thủ, mọi người đang tranh thủ...
Hãy chấm dứt từ ngữ “tranh thủ” vô nghĩa này và hãy nhớ rằng trong cuộc sống, chỉ cần tạo ra vài giá trị là quá tốt, quá đủ. Hãy nhìn cuộc đời của những danh nhân, vĩ nhân. Họ cũng chỉ phát huy được một, hai sáng chế, không hơn, và có người nổi tiếng muôn đời. Tóm lại, bạn không cần có sáng chế ấn tượng mỗi giờ mỗi phút.
Vậy hãy từ tốn, bạn nhé.
Bạn đang hoang mang, lúc nào cũng hoang mang.
Bạn không biết thế giới này đi về đâu, chỉ thấy nó biến chuyển quá nhanh, bạn không theo kịp và cảm thấy văn hóa, kiến thức của mình quá nhỏ bé so với kích thước vĩ đại của cuộc xoay vần.
Bạn sắp đến thời điểm phải lựa chọn. Môn học, nghề tương lai, khởi nghiệp, chọn người bạn trăm năm, định cư ở một nơi mới, và bao nhiêu thứ khác nữa. Bạn lo lắng, âu sầu và cảm thấy lẻ loi, chẳng biết vịn vào ai.
Chính vào lúc đó hãy nhớ rằng chung quanh bạn, ai cũng có đúng vấn đề như vậy, và chẳng ai có giải pháp hơn bạn. Nếu bạn đã có ý thích hoặc đã chọn một khuynh hướng nào đó thì bạn quá may mắn.
Lời khuyên của tôi là hãy cứ nghiêng theo ý thích, đừng dằn vặt tư tưởng thêm nữa, vì trước sau gì bạn vẫn không có đủ thông tin để đặt tiêu chuẩn. Không ai có thông tin này cả. Tiêu chuẩn chính là ý thích của mình đấy bạn ạ. Không có đủ thông tin thì những tính toán hơn thiệt hoàn toàn vô ích. Các thầy giáo của bạn cũng chẳng biết hơn bạn, cha mẹ đôi khi còn biết ít hơn thế nữa.
Với tất cả tinh thần trách nhiệm, tôi khuyên bạn hãy cứ vui vẻ nghiêng theo bản ngã của mình. Hãy công khai ý thích của mình một cách hồn nhiên, vì như tôi đã nhắc trước đây, trong mỗi con người có một vị thần tạm gọi là linh tính và lương tri, là người bạn chân thành nhất của bạn.
Trong sương mù thì người bạn linh tính và lương tri là kim chi nam trung thành nhất dẫn đường, đó chính là bàn tay vô hình sẽ thôi thúc bạn làm đúng việc phải làm.
Hãy nhất thiết tránh đi vào một cuộc tính toán đoán mò rằng môn học nào hay hơn, hoặc nghề nào kiếm tiền nhiều hơn, cứ như bạn muốn đoán kết quả của một cuộc đua ngựa: Bạn sẽ không bao giờ đoán ra, và cho dù có may mắn đoán trúng chẳng nữa, chính con ngựa thắng cuộc đua này sẽ lại thua cuộc đua sau. Vậy bạn đoán làm gì?
Trong một chương khác, tôi đã tường thuật cho bạn rằng một trăm bạn học gặp nhau khi về hưu rút cục giống nhau hết, chẳng ai hơn ai, thậm chí người bét lớp, “lười như hủi” thì có vẻ hạnh phúc và đầy đủ hơn người nhất lớp.
Bạn không thích toán? Vậy dẹp toán học đi. Bạn không ưa khoa học tự nhiên? Cũng dẹp luôn đi, không phải thương tiếc. Bạn thích thơ văn hay nghệ thuật? Vậy cứ mạnh dạn đi theo con đường của sở thích.
Xã hội cần mọi nghề bạn nhé, và xã hội cần nhất những người yêu nghề, đầu tư không mệt mỏi vào nghề.
Hãy nhất thiết tránh thái độ lựa chọn đi theo đứa đúng nhất lớp, hoặc ý của đám đông - đây là một lỗi lầm kinh điển. Đến khi phải chọn nơi làm việc hoặc công ty sẵn sàng thuê bạn, hãy ưu tiên chọn người lãnh đạo quý bạn và bạn cũng quý họ. Hãy bất chấp lương bổng, hãy nhất thiết tránh chọn theo lý lịch của doanh nghiệp.
Tôi từng làm việc này nhiều lần, nên bạn hãy nghe lời khuyên của tôi. Một lãnh đạo mà bạn quý và quý bạn, sẽ đem lại cho bạn một trăm lần những gì bạn muốn. Và bạn sẽ thú vị khi tới sở mỗi ngày, vì ở nơi đó, bạn có những người chân thành, tích cực với mình. Tương lai của bạn sẽ được xây dựng trên sự tín nhiệm của những người quý bạn. Họ sẽ giúp bạn tự tin. Sự tự tin là cái vốn đáng quý nhất.
Đừng bao giờ nghĩ rằng đứng trong một đạo binh đông đảo thì mình sẽ mạnh. Sự thật là ngược lại - không có gì vô danh và yếu ớt hơn con tốt trong một xã hội đông lúc nhúc. Ngoài ra, nếu bạn yêu việc, người ta sẽ chỉ mong bạn ở lại vì người tốt và đáng tin như bạn khó kiếm lắm. Tất nhiên lương bổng sẽ phải đi theo.
Bạn hãy đi xa hơn việc tìm hiểu chính mình là ai
Tất nhiên ai cũng phải làm việc này, nhưng hơn thế nhiều, phải cố khám phá ra nghiệp của mình trong cõi đời này. Tôi mang nghiệp nào khi sinh ra trong vũ trụ này? Mỗi người có một cái nghiệp. Tôi khẳng định rằng khi hiểu đúng vai trò và vị trí của mình trong vũ trụ này thì bạn không thể thất bại.
Việc khám phá ra chính mình và nghiệp mà mình mang không thể đạt kết quả trong một ngày.
Chỉ khi nào lăn xả vào những công việc mà xã hội trao cho bạn, với một nhiệt tình đặc biệt thì bạn mới dần dần thấy rõ hơn vai trò và bản chất thật của mình.
Trong mọi trường hợp, hãy là chính bạn. Tự tạo, tự tồn, tự lập, tự lực, tự cường, tự quản, tự tại, tự vệ. Mọi sinh vật đều sống theo quy luật đó. Nếu không có tư duy đó, hoặc không thực hiện nổi, bạn phải tự đánh giá là mình quá yếu đuối. Bạn sẽ chỉ trưởng thành khi mình giữ chủ động, cáng đáng mọi việc của mình mà không vịn vào người khác.
Hãy ý thức được rằng làm việc này rất dễ nếu tư duy tự lập có ngay khi bạn mới sinh ra thế giới này. Hàng tỷ sinh vật làm việc này hàng ngày bạn nhé. Kiến, bọ, bướm, hươu, trâu, voi, hổ, rắn, chim đều tự lập chỉ vài tiếng sau khi sinh ra.
Càng tự lập sớm, bạn sẽ càng mạnh mẽ. Vậy hãy sớm tìm trong chính con người của mình nguồn lực tiềm tàng mà bạn sẵn có để tự lập. Đây là lựa chọn cơ bản cho mỗi đời người, trước khi chọn bất cứ hướng đi nào.
Phụ huynh nào hỗ trợ cho con cái quá đáng là làm mất khả năng của con để đối mặt với những khó khăn. Những đứa trẻ tại mọi nước Tây Âu đều chối từ sự giúp đỡ của cha mẹ, và đôi khi còn bỏ nhà để chỉ về trở lại khi đã tự mình lập nghiệp xong.
Bạn hãy bỏ thói xấu là chia sẻ mọi vấn đề cá nhân của mình cho “thiên hạ”. Đành rằng mỗi người đều cần lời khuyên từ những người thầy, những người thân, nhưng ở đây, tôi muốn nói tới tư duy “sống vì thiên hạ”, cái gì cũng trông chờ vào mắt nhìn của xã hội. Điều này là không nên. Nó chỉ làm loãng cuộc đời của bạn, phá vỡ mọi ý nghĩa của cuộc sống, mà không mang lại chút lợi ích.
Tôi xin nói thêm là việc tự lập không liên quan gì đến “làm việc nhóm”. Thậm chí làm việc nhóm càng đòi hỏi mỗi thành viên tới buổi họp với tư duy độc lập và được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Biên tập: Visual Designer Duy Khang + Content Curator Ngọc Ánh + Newsletter Specialist Thanh Ngà
Nhạc nền: Bởi Nghệ sĩ Jurrivh (Orchestral Version)
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm:
Cảm ơn những chia sẻ của Thầy trong bài viết này, con lại một lần nữa được nhắc nhở rằng: "Chỉ khi nào lăn xả vào những công việc mà xã hội trao cho bạn, với một nhiệt tình đặc biệt thì bạn mới dần dần thấy rõ hơn vai trò và bản chất thật của mình."