Phút nhìn lại mình
"Tôi” trả lời cho câu hỏi tổng thể “Tôi là ai?”. Mỗi người đều có cái “tôi” của riêng mình. Đó chính là tổng thể những gì thuộc về người đó.
Tên sách: Một phút tìm lại mình
Nội dung: Ngọc Dung
Thành công bên trong hay thành công bên ngoài?
Cốt lõi của một đời người là bản thân mình cảm nhận được hạnh phúc.
Tuy nhiên, mấy ai hạnh phúc với cuộc sống của mình. Vì sao vậy? Câu trả lời là, hiện thực chúng ta trải qua khác xa những gì chúng ta mong muốn. Vậy thì chúng ta phải hiểu rằng, cuộc sống chỉ cần một số thứ để sống, chứ đừng chạy theo những gì chúng ta mong muốn.
Liệu những gì chúng ta mong muốn có cần thiết cho cuộc sống mình không? Mỗi người phải tự đặt câu hỏi và lựa chọn. Lắng nghe tiếng nói bên trong mình là hành trình chúng ta trở về, vỗ về yêu thương và chăm sóc bản thân mình một cách tốt nhất. Đừng đi quá nhanh qua cuộc sống, hãy cảm nhận cuộc sống một cách rõ ràng, hãy chạm vào cuộc sống của chính mình.
Bỗng một ngày kia, chàng trai chợt nhận ra rằng nụ cười đã không còn hiện diện trên khuôn mặt mình, cảm xúc yêu thương, sự nhiệt thành với cuộc sống đã rời xa mình tự lúc nào. Chàng trai đã không còn tha thiết với bất cứ thứ gì. "Mình đang sống đây mà, có gì đâu. Nhưng không phải. Chuyện gì đang xảy ra đây?” Một sự tự vấn đầy bất ngờ!
Vâng, một thực trạng cuộc sống đầy báo động. Thực trạng con người hiện đại sống trong trạng thái thờ ơ với mọi thứ xung quanh, với người thân, và cả bản thân mình. Một thuật ngữ hiện đại đặt cho trạng thái này là "sống heo héo”. Thật may mắn vì chàng trai trong quyển sách “Phút nhìn lại mình” của tác giả Spencer Johnson đã nhận ra tình trạng của mình và bắt đầu hành trình tìm lại chính mình.
Đối diện với chính mình – Hành trình tự vấn và tỉnh thức
Văn phòng của bác sĩ tâm lý đặt tại nhà riêng của ông ấy. Một sự gần gũi, thoải mái lan tỏa khi chàng trai bước vào căn nhà đầy cây cối, hoa lá và tràn ngập ánh sáng của một bậc thầy tâm lý. Bối cảnh và sự từng trải của một bác sĩ tâm lý lão làng cũng chưa đủ để chàng trai bắt đầu câu chuyện của mình.
Mặc kệ cảm giác ngập ngừng của chàng trai, vị bác sĩ tâm lý từ tốn pha 2 tách cà phê và một ấm trà nóng. Hớp mấy ngụm cà phê sánh nóng, chàng trai đã tự tin hơn, anh mạnh dạn hỏi vị bác sĩ điều gì đã giúp ông thành công trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân.
Vị bác sĩ bắt trúng mạch chàng trai “Ý cháu nói là thành công bên trong hay bên ngoài”. Một lần nữa chàng trai lại bối rối với vấn đề bác sĩ đặt ra cho mình. Anh chưa có khái niệm về điều này. Thật thú vị! Vị bác sĩ chia sẻ rằng hầu hết thành công đều bắt nguồn từ bên trong bản thân mỗi người.
Thành công bên trong mới đúng là thành công thật sự và quan trọng nhất. Khi đạt được rồi, cháu sẽ tìm thấy hạnh phúc ở mọi nơi, cuộc sống của cháu khi ấy sẽ trở nên thú vị.
Những gì vị bác sĩ nói chính là những điều anh đang trăn trở trong lòng. Chàng trai bắt đầu bộc bạch những vấn đề đang gặp phải.
Vị bác sĩ cười cảm thông:
“Trước đây, mỗi khi cảm thấy không hài lòng về bản thân là chú tự làm cho mọi việc xung quanh mình trở nên rối rắm. Chú tự đánh giá thấp mình, rồi trở nên khắt khe với chính mình và cáu gắt với những người xung quanh.
Dần dần, chú đã học được cách quan tâm đến bản thân mình tốt hơn. Để kiểm soát được cuộc đời, trước hết phải học cách kiểm soát bản thân. Kiểm soát tốt con người bên trong không những giúp cháu đạt được thành công hơn trong cuộc sống mà còn đem lại sự thanh thản trong tâm hồn”.
Chàng trai không giấu vẻ hoài nghi. Vị bác sĩ hiểu ý, bí quyết lại thực tế và đơn giản như vậy đó.
Thế là vị bác sĩ dẫn chàng trai đi tìm hạnh phúc của chính mình
Tìm lại cái "Tôi" – Cội nguồn của sự sống cân bằng
Trước tiên là tìm hiểu cái “tôi”:
"Tôi” trả lời cho câu hỏi tổng thể “Tôi là ai?”. Mỗi người đều có cái “tôi” của riêng mình. Đó chính là tổng thể những gì thuộc về người đó. Hãy quan tâm chăm sóc mình để "tôi” được khỏe mạnh, hạnh phúc.
Hành trình đi tìm cái “tôi” của chính mình sẽ giúp chúng ta học được những bài học giá trị về nhân cách con người, về giá trị của một con người và cộng đồng xã hội. Để từ đó biết sống khiêm nhường, yêu thương, chia sẻ hơn với chính mình và tất cả mọi người. Đó là bài học mỗi người phải tự học lấy.
Khu vườn tâm hồn – Nghệ thuật chăm sóc và tái tạo năng lượng
Khi đã biết quan tâm đến bản thân mình thì hãy trở thành “người chăm sóc”.
“Cháu hãy thử đặt mình vào vị trí một người làm vườn giỏi phải chăm sóc cho một khu vườn. Điều gì sẽ xảy ra nếu cháu biến khu vườn đó thành những mảng hoa đủ màu sắc.
Đâu đó là sắc đỏ ngọt ngào của hồng nhung đang hé nụ, sắc vàng rực rỡ của khóm cúc kiêu sa. Rồi xen kẽ là sắc trắng tinh khiết của đóa trà mi dịu dàng. Và kia nữa, những tán cây bạch tùng mạnh mẽ vươn cao đang mùa trổ lá...
Thật dễ đoán phải không, cháu sẽ rất hài lòng và người khác cũng vậy. Mọi người sẽ tìm đến vườn hoa của cháu để có những giây phút hòa mình với thiên nhiên, để thư giãn tâm hồn”.
Một phút kỳ diệu – Bước đầu thực hành hạnh phúc
Việc nghĩ đến khu vườn tưởng tượng thường giúp chú lấy lại sự cân bằng trong tâm hồn. Chú chia khu vườn của mình thành 3 phần đại diện cho 3 thế giới khác nhau: Tôi, Người khác và Chúng ta.
Phần cái Tôi. Chàng trai theo lời chỉ dẫn của vị bác sĩ đã quay trở lại khu vườn tâm trí của mình. Anh nghe thoảng hương hoa, sắc hoa rực rỡ, cả không gian ngập tràn hương hoa thắm tươi, dịu ngọt. Thật tĩnh lặng và sinh động. Và dường như anh đã bắt đầu hiểu được thế nào là một “Người chăm sóc”.
Vâng, trở về chăm sóc bên trong của ta thật tuyệt vời. Ai ngờ rằng có lúc cuộc sống của chú đã mất cân bằng. Bởi chú đã quan tâm quá nhiều đến công việc hơn là gia đình và bản thân. Quan sát lại bản thân, chú bắt đầu suy nghĩ khác đi.
Và điều chú làm cũng khá đơn giản: bỏ hết mọi thứ qua một bên và bắt đầu dành một phút nhìn lại mình, cho riêng mình.
Một phút ư, chàng trai ngạc nhiên!
Nếu không tin, hãy bắt đầu thử nhé. Cháu hãy ngồi im và đừng để ý đến chiếc đồng hồ nữa. Cứ ngồi thế cho đến khi cháu nghĩ rằng đúng một phút đã trôi qua. Hai người ngồi trong im lặng.
Một hồi sau, chàng trai nghĩ rằng có lẽ đã hết một phút nên đưa mắt nhìn đồng hồ. Thật khó tin, chỉ mới có 38 giây trôi qua. Hóa ra một phút là khoảng thời gian dài hơn anh nghĩ. Cháu ạ, khi tĩnh lặng thì một phút cũng dài lắm. Nhưng sao lại chỉ là một phút. Anh vẫn chưa hết thắc mắc.
Trong khoảng thời gian tưởng như rất ngắn đó, chú thực sự trầm tĩnh và nhìn lại những gì mình đã làm, rồi sau đó, chú có thể xác định được những gì mình cần làm tiếp theo. Quyết định đó không chỉ tốt cho bản thân chú mà còn tốt cho người khác, và rộng hơn là cho mọi người xung quanh. Nghe có vẻ nhiều đấy nhưng cháu sẽ làm được, chỉ với một phút thôi.
Cơ hội ở đây là gì? Nghĩa là chú ngưng mọi suy nghĩ khác lại, tĩnh lặng và bắt đầu lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Rồi chú tự hỏi: liệu mình có thể làm gì khác để giúp bản thân mình cảm thấy tốt hơn lúc này không? Và thường thì chú luôn tìm ra câu trả lời, rồi sau đó, chú cố gắng hết sức để làm theo.
Thế còn Người khác thì sao ạ? Làm thế nào chỉ trong một phút mà vẫn có thể nhận ra và quan tâm đến cái tôi của người khác. Chú, cháu và những người khác đều như nhau thôi, đều có cái tôi của riêng mình. Chú luôn tôn trọng và đánh giá cao những người biết yêu quý bản thân.
Nhưng làm sao để có thể chia sẻ với tất cả mọi người? Phần chúng ta ấy? Hình như yêu cầu đó là quá cao so với khả năng mỗi người? Để làm được điều đó, mỗi người chúng ta cần phải nỗ lực.
Mọi người phải tự đặt ra câu hỏi:
- Có phải vì quá quan tâm đến bản thân mà mình đã có những đòi hỏi quá đáng, vượt quá mức thân tình, với những người xung quanh?
- Hay là mỗi người cần phải biết quan tâm người khác nhiều hơn?
Có như vậy, mối quan hệ giữa con người với nhau mới có cơ hội được cải thiện và trở nên tốt đẹp hơn.
Cháu thấy có vẻ như mọi chuyện quá đơn giản? Chàng trai hỏi, vẫn với giọng đầy hồ nghi. Vì trong một phút ngắn ngủi đó, cháu có cơ hội tự nhìn lại bản thân, đánh giá thái độ của mình. Rồi tự khắc, sự nhạy cảm và trực giác sẽ giúp cháu tìm ra những giải pháp thích hợp.
Khi biết dừng lại, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn: đi tiếp con đường hoặc đổi hướng, hay làm bất cứ điều gì khác mà ta cảm thấy là tốt nhất cho mình.
Cũng nhờ vậy mà chúng ta có thể nhận ra những việc mình làm đã gây ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Làm như vậy là không những chúng ta đang quan tâm chính mình mà còn quan tâm đến người khác nữa đấy.
Phút nhìn lại mình, cho riêng mình đã trở thành nguyên tắc sống bình dị và giá trị với những ai biết sống, biết trải nghiệm. Nhờ thế, trong mọi tình huống, chúng ta luôn tìm được câu trả lời-câu trả lời xuất phát từ trái tim, từ lương tâm.
Hãy quay lại thời điểm khi vừa mới nhận biết được tầm quan trọng của sự tôn trọng chính mình. Qua một thời gian, khi đã học được cách quan tâm đến bản thân, chúng ta sẽ bước sang một giai đoạn mới: biết quan tâm đến người khác và chia sẻ với tất cả mọi người. Chúng ta sẽ hiểu ra rằng phải có đủ ba yếu tố trên thì bản thân chúng ta mới tìm được sự cân bằng trong tinh thần và nhờ vậy, sống hạnh phúc hơn.
Lời kết – Hành trình tìm về hạnh phúc bền vững
1. Quan tâm đến bản thân
Cốt lõi của một đời người là bản thân mình cảm nhận được hạnh phúc. Tuy nhiên, mấy ai hạnh phúc với cuộc sống của mình. Vì sao vậy? Câu trả lời chính là hiện thực chúng ta trải qua khác xa những gì chúng ta mong muốn.
Vậy thì chúng ta phải hiểu rằng cuộc sống chỉ cần một số thứ để sống, chứ đừng chạy theo những gì chúng ta mong muốn. Liệu những gì chúng ta mong muốn có cần thiết cho cuộc sống mình không? Mỗi người phải tự đặt câu hỏi và lựa chọn.
Lắng nghe tiếng nói bên trong mình là hành trình chúng ta trở về, vỗ về yêu thương và chăm sóc bản thân mình một cách tốt nhất. Đừng đi quá nhanh qua cuộc sống, hãy cảm nhận cuộc sống một cách rõ ràng, hãy chạm vào cuộc sống của mình.
Phút nhìn lại mình, chúng ta sẽ điềm tĩnh hơn, yêu thương mình hơn, để khi xử lý mọi vấn đề chúng ta sẽ ít gây tổn thương nhất. Trên hành trình tìm hạnh phúc cho mình, chúng ta cũng cần một số kỹ năng giải quyết vấn đề.
Cách đơn giản nhất là hãy “đơn giản hóa mọi vấn đề”. Nhìn vấn đề với góc nhìn khách quan, trung thực và nhìn thẳng vào vấn đề. Rồi áp dụng phương pháp “Phút nhìn lại mình”, tự khắc chúng ta sẽ biết cách xử lý vấn đề tốt nhất.
Nếu gặp phải sự chỉ trích, thiếu tôn trọng, tổn thương của người khác dành cho mình thì sao?
Có câu ngạn ngữ:
“Trên đường đi, nếu cứ mỗi lần nghe tiếng chó sủa mà bạn dừng lại thì bạn sẽ chẳng bao giờ đến đích”.
Ai cũng có quyền lựa chọn cách cư xử với bản thân: hoặc trở thành người bạn tốt nhất hoặc tự biến mình thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Một bí quyết nữa là yêu thương và cho đi. Khi sống bằng yêu thương, bản sẽ không sợ hãi. Và khi còn có thể cho đi chính là lúc bạn thật sự quý trọng bản thân và sẽ không còn sống trong sợ hãi.
Vâng, với phút nhìn lại mình, bạn sẽ nhận ra, và điều chỉnh hoặc thay đổi thái độ, cách nhìn. Và nhờ thế, những ưu phiền và lo lắng của bạn sẽ giảm đi. Khi biết tự nhìn lại và quan tâm đến bản thân, chúng ta không cảm thấy giận dữ và buồn chán nữa. Chúng ta trở nên vui vẻ, thoải mái với chính mình và với những người khác.
Khi vui vẻ và hạnh phúc, chúng ta sẽ làm việc có hiệu quả và cũng dần học được cách tôn trọng những người xung quanh.
2. Quan tâm đến người khác, chia sẻ với tất cả mọi người. Vậy làm thế nào để tất cả chúng ta hạnh phúc?
Người khác chính là một “cái tôi khác” của ta. Chúng ta, tất cả đều giống nhau, đều có cái Tôi của riêng mình. Khi nhớ đến điều này, hãy làm tất cả những gì có thể để giúp người khác chăm sóc bản thân họ. Hãy ghi nhận rằng việc người khác yêu thương bản thân họ cũng quan trọng như việc bạn yêu thương chính mình.
Tất cả là vì, yêu thương bản thân sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn. Khi bạn vui vẻ thì những người khác cũng sẽ vui vẻ. Khi bắt đầu biết để ý và đáp ứng những yêu cầu của bản thân, nghĩa là chúng ta đã tự làm cho mình được cảm thấy hài lòng. Chính điều đó đã khiến chúng ta tự nhiên muốn chuyển sự quan tâm của mình sang người khác.
Và đó không phải là điều chúng ta tự buộc mình phải làm. Đó là sự tự nguyện, vì chúng ta thích và muốn thế. Và tiếp theo, chúng ta lại muốn khích lệ những người khác học lấy cách tự quan tâm đến bản thân họ.
Khi họ làm được thế, chúng ta cảm thấy vui – vì nhìn thấy họ vui vẻ và vì nhận ra là mình vừa làm một điều có ích. Và người đó cũng nhận ra là ta đang chia sẻ với họ. Vòng tròn yêu thương cứ thế đong đầy, nuôi dưỡng tình yêu trong bạn và mọi người.
“Cuộc sống là quá trình cho và nhận. Khi bạn cố giữ lại bạn chẳng còn bao nhiêu. Bạn cho đi, bạn sẽ được nhận lại rất nhiều từ con người, cuộc sống và từ chính bạn”.
Cuộc sống là vòng tròn nuôi dưỡng, mỗi cá nhân biết yêu mình, yêu người, cuộc đời sẽ đong đầy yêu thương. Điều này có thể gọi là chân lý, chỉ có điều chúng ta quên ứng dụng vào cuộc sống nên chúng ta cứ mãi ngập lặn trong bể khổ.
Như lời rút ruột của tác giả:
“Đừng băng qua cuộc sống quá nhanh. Hãy thường xuyên dừng một phút để nhìn lại mình và điều chỉnh. Biết thay đổi khi cần. Chấp nhận mạo hiểm và đừng bao giờ từ bỏ niềm tin và ước mơ”. Hạnh phúc là do chính chúng ta.
Đọc xuyên suốt cuốn sách, tôi đặc biệt quan tâm, thích thú những thông điệp mà tác giả nhắn gửi từ những trang sách như:
- “Quan tâm đến công việc, cuộc sống nên đi cùng với việc biết quan tâm đến bản thân mình. Đó cũng chính là cách cảm nhận cuộc sống tốt nhất”.
- “Khi chúng ta biết quan tâm đúng mức đến bản thân mình, và người khác. Chúng ta sẽ cảm nhận được cuộc sống xung quanh đúng như những gì nó vốn có, sẽ thể hiện được cảm xúc thật của mình. Người khác cũng vậy”.
- "Hãy cư xử với bản thân theo cách mà bạn thực sự mong muốn cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn”.
- “Bạn không bao giờ cảm thấy mất đi khi yêu thương và cho đi, bạn chỉ mất khi cố giữ lại”.
- “Đừng băng qua cuộc sống quá nhanh. Hãy thường xuyên dừng một phút để nhìn lại mình và điều chỉnh. Biết thay đổi khi cần. Chấp nhận mạo hiểm và đừng bao giờ từ bỏ niềm tin và ước mơ”.
Biên tập: Ban biên tập Chuyên mục cảm nhận Sách hay, Visual Designer Duy Khang, Content Curator Ngọc Ánh
Nhạc nền: Bởi Jurrivh (Orchestral Version)
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: