Những lựa chọn thật của cuộc đời
Một cuộc đời thành công mỹ mãn có thể định nghĩa là một chuỗi quyết định đúng đắn, đúng thời cơ, đúng đối tác, đúng tình huống.
Tên sách: Một đời như kẻ tìm đường - GS. Phan Văn Trường
Nội dung: Chương 17: Những lựa chọn thật của cuộc đời
May your choices reflect your hopes not your fears.
Cầu cho bạn luôn luôn lựa chọn theo ước vọng chứ không phải để tránh nỗi sợ.
— NELSON MANDELA
Một trong những yếu tố làm cho cuộc đời của mỗi người mệt nhọc là do mỗi lúc mỗi nơi, tất cả chúng ta đều có những lựa chọn phải lấy, những quyết định phải chốt. Tâm trí không bao giờ được yên nghỉ vì lựa chọn nào cũng là cá nhân, quyết định nào cũng phản ảnh những ý thích, những khuynh hướng riêng tư.
Mà ý thích và khuynh hướng là những thứ không dễ biết. Ngay việc quyết định không chọn lựa, cũng đã là một lựa chọn. Lựa chọn nào cũng có tác dụng thu hẹp mình vào một lộ trình, làm cho mình mất cơ hội để khai thác những phương án tiềm năng khác.
Như ông bạn già Cho Chong Hoon từng giải thích cho tôi một buổi tối tại Seoul, việc lựa chọn giống lộ trình của một dòng nước đổ xuống sườn núi.
Nước đã xuống thì không bao giờ đi lên trở lại để có thể chọn một lộ trình nào khác.
Thành thử giai đoạn đầu tiên của bất cứ lựa chọn nào cũng là sự hủy bỏ nhiều phương án tiềm năng, trước khi chấm vào đúng mục tiêu. Cũng vì thế mà người tham lam, trên bản chất, không thể lựa chọn được – tính tham lam nào có chịu hy sinh một món nào. Nhưng chớ bao giờ quên, khi còn được lựa chọn thì chúng ta còn giữ được một chút kiểm soát trên cuộc đời của mình.
Ít nhất, ta đã lấy quyết định cho chính mình, không ai khác. Lựa chọn xong thì chính chúng ta cũng đã đưa đẩy mình vào những tình huống mới hứa hẹn những trải nghiệm mới. Ít nhất qua việc tự quyết, chúng ta đã nhận lấy trách nhiệm để tự quản, thay vì để cho ai khác chi phối cuộc đời của mình.
Không tự quyết, chúng ta chỉ giống như một chiếc lá bay theo chiều gió thổi. Có thi hào còn nói: “Vào đúng lúc đó sẽ có một người nào khác nhận trách nhiệm quản lý chúng ta!”. A ha, rất lãng mạn hình ảnh của lá bay theo chiều gió! Thi văn và sách vở của chúng ta đầy rẫy những tình huống éo le mộng mị, nhưng nói một cách thật khô khan thì đó là do một phần của xã hội chúng ta có ADN thuận với tính lần lữa, thiếu chính sách, cụt nguyên tắc.
Sau nhiều năm sống tại nhiều quốc gia, tôi có một nhận xét khá kỳ lạ: Có lẽ ít dân tộc nào như chúng ta lại để cho người khác cơ hội quyết định thay mình nhiều như vậy. Văn hóa của chúng ta cộng đồng hóa đến cả chuyện riêng tư, đôi khi thầm kín. Không những dễ dàng để cho người ngoài quyền có thể can thiệp vào việc của mình, rất nhiều khi chính chúng ta còn mời người ngoài không liên quan vào cuộc chơi. Rồi cả chính mình cũng tự cho cái quyền can thiệp vào việc của người khác.
Cả hai đầu đều không nên, không lành mạnh và cũng không văn hóa. Hay đúng hơn đó là văn hóa của kẻ yếu.
Bằng chứng thì nhiều lắm, mỗi giờ, mỗi ngày, mọi nơi. Tại nhiều doanh nghiệp, đời sống hàng ngày khá phức tạp. Công việc làm của lãnh đạo rất khó vì chính nhân viên cùng làm việc có thể có những phản ứng bất bình trên những chuyện không liên quan đến chính họ, mà họ cũng không nắm chi tiết và bản chất thật của tình huống. Rồi từ đó họ mất động lực làm việc.
Tôi vừa chứng kiến một câu chuyện hoàn toàn mang tính cá nhân, không liên quan gì tới công việc trong doanh nghiệp, thế mà trong một đội của một tập đoàn nọ đã xảy ra hiện tượng chia bè chia phái để phân giải ăn thua. Một chuyện lãng xẹt, xảy ra giữa hai cá nhân, mà doanh nghiệp vẫn hứng chịu hậu quả.
Thật chỉ có tại nước ta mới xảy ra những chuyện như vậy. Trên các nhật báo hay tuần báo, biết bao nhiêu mục tâm tình thu hút được khá nhiều độc giả. Không thể chối cãi mục này có nhiều người theo dõi, đại khái câu chuyện nào cũng giống nhau tuần này qua tuần nọ, một cá nhân mang chuyện riêng, thậm chí lỗi tày trời của mình ra phơi bày rồi chẳng một chút ngại ngùng xin ý kiến. Chẳng khác gì một lời mời mọc xin cả xã hội đại trà cứ vô tư nhảy vào can thiệp.
Thế là cửa đã mở cho một phong trào tham gia cho ý kiến, xã hội chia thành năm bẩy cánh, để rồi câu chuyện vẫn không có lời giải. Toàn những lý luận thiếu sót bằng cảm tính, người nào cũng cố gào thét giải pháp mà mình muốn áp đặt bằng được cho một người mà mình không hề quen biết.
Thật là vô tri, khi người ta không lựa chọn khi quyền đó thuộc hoàn toàn về mình, và khi công khai ra chi mang về những bất lợi. Ngay trong đời sống hàng ngày, ít nơi nào như nước Việt chúng ta, có nhiều chuyện đột xuất như vậy.
Sâu trong tư duy, người nào cũng ít nhiều nghĩ rằng chuyện của thiên hạ cũng là một chút chuyện của mình, và chuyện của mình cũng phải nhận được sự tham gia ít nhiều của thiên hạ.
Hình như con mắt của thiên hạ là làm những điều phải tránh kim chỉ nam cho mỗi hành động chăng?
Riêng một chuyện quản lý thời gian của tôi thôi, ít nơi nào làm cho tôi khó quản lý thời gian hơn Thành phố Hồ Chí Minh. Lịch của tôi phải thay đổi liên tục, có lẽ các đối tác khá chủ quan, nghĩ rằng những vấn đề của riêng họ cũng phải là những ưu tiên cho người khác, lịch của họ cũng là lịch của người ngoài. Do sự thiếu chủ động nên đột xuất mới... đột xuất!
Ít nơi nào như nơi này, những lời mời tham gia lại giống như những lời vội vã khó từ chối. Một buổi họp chẳng hạn, khi mình liên quan rất ít đến đề tài; một buổi sinh nhật chẳng hạn, khi mình chỉ là bạn của một người bạn của kẻ sắp lên một tuổi; một đám cưới chẳng hạn, khi mình không thuộc cả ba thành phần nhà trai, nhà gái và bằng hữu. Nhưng rồi họ cứ mời, không những thế còn thất vọng là người ít quen có thái độ dè dặt tự nhiên. Trong đầu của người mời rất đơn giản: bạn không thể từ chối.
Trường hợp khó xử hơn là khi người mời là một cơ quan chính thức thì việc từ chối lại càng nan giải. Tại Châu Âu, nơi tôi đã làm việc nhiều năm nhất, thì hoàn toàn khác. Ngay cả khi một Bộ trưởng hoặc cấp cao hơn mời tôi tới họp, bao giờ các bà thư ký của họ cũng “xin ông cho chúng tôi lịch thuận lợi và thoải mái nhất của ông”.
Văn hóa chung là không bao giờ bất cứ một ai, dù chức vị quan trọng đến đâu, có thể tự cho quyền xâm phạm vào không gian và thời gian riêng tư của người khác. Ngay cả cha mẹ với con, vợ chồng với nhau, bạn thân, không bao giờ có sự can thiệp hoặc áp đặt.
Tự do là thế, không gian riêng là không gian tự do, và không gian tự do là bất khả xâm phạm!
Mà có được không gian tự do thì việc chọn lựa mới thực sự vô tư. Văn hóa của chúng ta hẳn có khâu ép buộc, thao túng, ảnh hưởng và áp đặt. Chính vì thế mà mỗi quyết định đơn thuần của mỗi chúng ta đều khó.
Phải chăng chúng ta không sống đủ cho chính mình mà nhiều quá cho xã hội chung quanh? Chúng ta bỏ bê việc nghiên cứu, tự học, đọc sách, chuyện trò thư giãn với gia đình, cha mẹ, con cái, vì chúng ta nghiện tại mắt và ý kiến của xã hội.
Bạn hãy tin tôi, không thể thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc đời nếu bỏ quá nhiều thời gian để đi nghe những phát biểu bừa bãi của người vô can, vô phận sự, vô duyên nợ đối với bạn. Những phản ứng từ người ngoài cuộc chỉ có thể làm rối thêm ván bài định hướng.
Một cuộc đời thành công mỹ mãn có thể định nghĩa là một chuỗi quyết định đúng đắn, đúng thời cơ, đúng đối tác, đúng tình huống.
Không ai có thể phủ nhận rằng mọi người đều có quyền như nhau để tối ưu một quyết định trong một tình thế nào đó. Đành rằng những tình thế, những cơ hội khá khác nhau giữa người may mắn và người không may, nhưng cuối cùng, dù may mắn hay không, mỗi chúng ta đều có quyền như nhau để lấy những quyết định đúng hay không đúng cho cuộc đời riêng của mình.
Trên một lộ trình dài, người luôn luôn quyết định đúng sẽ bỏ xa người thường lựa chọn sai hay thiếu đích xác, cho dù người này có may mắn hỗ trợ chăng nữa.
Một trong những quyết định chúng ta khó lấy hàng ngày nhất là đối mặt hay chấp nhận rủi ro. Vì lộ trình nào cũng gặp rủi ro, mà bản chất của rủi ro là không ai đoán trước được nó có xảy ra không và nếu có thì lúc nào, với cường độ nào.
Cuộc đời của mỗi người tốt hay xấu đều do những những pha đánh cuộc trước rủi ro, cuộc chơi này chỉ có mình chơi lấy.
Nói một cách khác, chúng ta mang trách nhiệm đối với bản thân, nhất là khi chạm trán với rủi ro. “Ai có thân người nấy lo” và “Có gan chơi thì có gan chịu” là những câu người Việt thường tự nhủ.
Và cũng vì vậy mà mình không thể giao việc quyết định và nhường rủi ro cho bất cứ ai khác, cho dù người này là cha, là mẹ hay người thân. Nếu như ai đó có thói quen để người khác quyết định hộ mình thì không đáng ngạc nhiên khi kẻ đó mất thể chủ động.
Và rất nhiều lần, sự mất mát đó sẽ tạo những thói quen can thiệp khó gỡ sau này.
Biên tập: Visual Designer Duy Khang + Content Curator Ngọc Ánh + Newsletter Specialist Thanh Ngà
Nhạc nền: Bởi Nghệ sĩ Twisterium
Tìm hiểu thêm về Blog Cấy Nền Radio: Tại đây.
Xem thêm: